Sạt lở nghiêm trọng, ngôi đền lịch sử ở Hà Nội có nguy cơ bị ‘nuốt chửng’

Trần Cường
Trần Cường
29/05/2020 10:25 GMT+7

Quần thể di tích lịch sử Ba Voi (H.Đông Anh, Hà Nội) đang phải đóng cửa vì bờ sông bên cạnh đang sạt lở, khiến nhiều hạng mục của di tích này bị nứt vỡ, sụt lún, có thể bị “nuốt chửng”.

Đền Ba Voi (xã Nguyên Khê, H.Đông Anh, Hà Nội) được xây dựng từ thời nhà Lý, thờ các thần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giúp vua Triệu Việt Vương khỏi ách thống trị của nhà Lương.
Năm 1947, giặc Pháp đã phá ngôi đền để lập bốt, xây cứ điểm. Đến năm 1992, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi đền để tiếp tục thờ cúng.
Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, năm 2012, nhân dân trong vùng tiếp tục đóng góp, phục dựng lại ngôi đền Ba Voi theo lối kiến trúc cổ và tôn tạo thành một quần thể di tích, gồm: đền Ba Voi, đền Mẫu Thánh Tiên, chùa Tiên Phúc, nhà thờ Tổ Đường, tam tượng voi...

Khu quần thể di tích lịch sử đền Ba Voi (H.Đông Anh, Hà Nội)

Ảnh Trần Cường

Ngày 6.9.2015, quần thể đền Ba Voi được UBND TP.Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Ông Nguyễn Văn Luân (48 tuổi, trú xã Nguyên Khê), Trưởng ban quản lý di tích đền Ba Voi, cho biết vào tháng 7.2019, khoảng 200 m bờ sông Cà Lồ cạnh đền xuất hiện tình trạng sạt lở, khiến quần thể di tích bị ảnh hưởng.
“Đến đầu tháng 3.2020, sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều hạng mục nứt toác, chúng tôi đã báo cáo lên xã Nguyên Khê. Ngày 15.5, UBND TP.Hà Nội đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu di tích, đến ngày 19.5, chính quyền đã phải cho căng dây, đặt biển cảnh báo và đóng cửa khu di tích để đảm bảo an toàn”, ông Luân nói.

Nhân dân địa phương đóng góp hơn 16 tỉ đồng, xây dựng, trùng tu quần thể đền Ba Voi theo lối kiến trúc cổ

Ảnh Trần Cường

Theo ông Luân, kinh phí để xây dựng, tôn tạo quần thể đền Ba Voi khoảng 16 tỉ đồng, do người dân tại địa phương và khắp nơi đóng góp. Hiện khu di tích không đón khách, ban quản lý phải cắt cử người dân thường trực, trông nom tài sản.
“Ngày 24.5 vừa qua, đoàn khảo sát của thành phố đã về khoan địa chất để tính toán, lên phương án xử lý, tránh sạt lở. Dự kiến việc “cứu” ngôi đền sẽ hoàn thành trong tháng 9 tới, nhưng không biết có chấm dứt được tình trạng sạt lở này không”, ông Luân nói.

Từ khi bờ sông Cà Lồ bị sạt lở, quần thể đền Ba Voi bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Ảnh Trần Cường

Bà Nguyễn Thị Tho (71 tuổi, trú xã Nguyên Khê) cho biết, từ khi xuất hiện tình trạng sạt lở, nhiều hạng mục trong quần thể, như: Mẫu Thánh Tiên, khu nhà bếp, khu sắp lễ, khu vệ sinh, sân... xuất hiện tình trạng lún, nứt.
“Đàn ông, thanh niên thì sẽ trông tối còn phụ nữ, người già như tôi sẽ trông ban ngày. Lún, nứt nhiều lắm, tôi không dám bén mảng tới khu vực đền Mẫu, khu vệ sinh, bếp,... vì sợ nó sập xuống”, bà Tho nói.

Nhiều hạng mục bị nứt, sụt, lún, có nguy cơ bị sông Cà Lồ "nuốt chửng"

Ảnh Trần Cường

Theo quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Cà Lồ của UBND TP.Hà Nội, khu vực sạt lở kéo dài từ đền Ba Voi đến cầu Phủ Lỗ, dài khoảng 200 m, khiến các công trình phụ trợ của di tích đã xuất hiện nhiều vết nứt xé, lún nền như: nứt, lún ở khu vực sân, các vết nứt xé trần bê tông ở công trình phụ trợ như nhà thờ Mẫu, nhà bếp và các công trình phụ trợ khác.

Để đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, chính quyền đã đóng cửa di tích

Ảnh Trần Cường

Diễn biến sạt lở ở khu vực này rất phức tạp, uy hiếp an toàn tài sản và tính mạng của người dân và tính an toàn ổn định của quần thể di tích đền Ba Voi.
Chính vì vậy, UBND TP.Hà Nội đã quyết định đóng cửa khu di tích, không cho người dân vào khu vực sạt lở, đồng thời giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, thực hiện dự án xử lý cấp bách sự cố sạt lở bằng nguồn vốn ngân sách, hoàn thành trong tháng 9.2020. 

Những vết lún, nứt xuất hiện khắp nơi

Ảnh Trần Cường

UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo lên phương án, xử lý trước tháng 10 tới

Ảnh Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.