Cứ mưa là… chạy
Những năm gần đây, khu vực núi Chim, phía tây TT.Trà My thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở đất, gây thiệt hại tài sản và cả tính mạng của người dân. Điều đáng nói, mới đây ngày 17.11 một vụ sạt lở núi đã vùi lấp hoàn toàn một căn nhà, khiến 1 người bị thương.
Theo quan sát từ trên cao, một vệt nứt đất tại sườn núi Chim kéo dài hàng trăm mét theo hình vòng cung, ôm trọn 4 hộ dân có nhà ở dưới chân núi, đồng thời uy hiếp thêm 9 hộ dân lân cận. Trong đợt mưa lớn liên tục mới đây, vệt nứt này càng rộng ra do nước mưa chảy ngấm sâu xuống khe nứt. Ngoài ra đất đá cũng đã tràn xuống sát một số nhà dân.
Căn nhà của gia đình bà Trần Thị Cảnh bị vây bọc bởi vết nứt tại sườn núi Chim nên có nguy cơ đổ sập nếu sạt lở núi tiếp tục xảy ra. “Nhà tôi ảnh hưởng trực tiếp vì nằm dưới chân núi. Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tối 17.11 đã xảy ra vụ sạt lở đất làm sập tường phía sau và đất đá tràn vào nhà 4 hộ dân. Rất may trước khi sạt lở xảy ra các hộ dân chúng tôi đã di dời tài sản nên không bị thiệt hại. Sống trong cảnh này chúng tôi lo lắm. Bây giờ, cứ mưa xuống là chạy. Mong nhà nước sớm có chủ trương bố trí tái định cư để di dời các hộ dân nơi đây đến nơi an toàn”, bà Cảnh nói.
Đất đá trên núi Chim tràn xuống uy hiếp nhiều nhà dân |
TUẤN TÚ |
Ông Huỳnh Sơn Lâm (ở tổ dân phố Đàn Bộ) cho hay tình trạng sạt lở đã kéo dài nhiều năm nay. Đáng chú ý, tại khu vực núi Chim này, hồi đầu tháng 11.2017 đã xảy ra một vụ sạt núi kinh hoàng trong đêm tại tổ Đàn Bộ khiến 4 người thiệt mạng. “Với tình trạng mưa lớn liên tục thế này thì nguy cơ sạt lở là không thể tránh khỏi, bởi núi Chim đã xuất hiện một vệt nứt dài. Nếu không có hướng khắc phục thì sắp tới chúng tôi sợ không còn nhà mà ở. Cứ mỗi mùa mưa, dân chỉ biết cúi đầu lạy núi xin đừng có sạt lở nữa”, ông Lâm buồn bã nói.
Sẽ bố trí tái định cư
Ông Trịnh Ngọc Duy, Phó chủ tịch UBND TT.Trà My, cho biết khi phát hiện vệt nứt kéo dài tại sườn núi Chim, để tránh xảy ra thảm họa, chiều 17.11 các lực lượng địa phương buộc phải vận động và hỗ trợ di dời khẩn cấp 13 hộ dân trong khu vực với 38 nhân khẩu, nên khi sạt lở xảy ra vào tối cùng ngày đã không gây thiệt hại về người và tài sản. “Nguyên nhân gây sạt lở đất do thiên tai là đương nhiên. Song tình trạng nứt, sạt núi tại sườn núi Chim còn có cả yếu tố tác động từ con người. Bởi khoảng một nửa chiều dài vệt nứt trên sườn núi Chim nêu trên bắt nguồn từ đường mòn tự phát, được người dân địa phương mở để xe cơ giới vận chuyển keo nguyên liệu”, ông Duy nói.
Theo ông Duy, xe chở keo chạy lâu ngày, khoét thành rãnh lớn cũng là một trong những nguyên nhân tác động dẫn đến sạt lở tại cụm dân cư này. “Cùng với việc di dời, sơ tán khẩn cấp mỗi khi có mưa lớn, về lâu dài địa phương vận động các hộ tự nguyện đăng ký di dời nhà ở đến nơi an toàn và trình UBND tỉnh Quảng Nam có chính sách hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống”, ông Duy nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Toại, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, thừa nhận sạt lở núi tại khu vực núi Chim đang là vấn đề gây lo lắng của địa phương. Về lâu dài, huyện đã có kế hoạch di dời khoảng 7 hộ dân dưới chân núi đến nơi an toàn. “Trước đây, chúng tôi cũng hỗ trợ kinh phí để người dân kè chắn ở tạm thời, nhưng khi xuất hiện vệt nứt kéo dài thì địa phương đã kiến nghị với tỉnh đưa vào kế hoạch bố trí tái định cư để di dời người dân nhằm ổn định cuộc sống về lâu dài”, ông Toại nói.
Bình luận (0)