Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp. Hằng năm sạt lở đã làm mất hàng chục đến hàng trăm héc ta đất ven sông, ven biển. Điển hình là dòng chảy của sông Ba gây sạt lở nhiều đoạn, trong đó có điểm sông lấn sát vào khu dân cư, uy hiếp nhiều hộ dân sinh sống ven sông.
Người dân Phú Yên dùng bao cát để bảo vệ đất khỏi bị sạt lở trước những đợt triều cường xâm thực |
BẢO NGỌC |
Ông Đinh Long Ẩn, ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, H.Phú Hòa, phản ánh: “Tình trạng sạt lở bờ sông ở khu vực thôn Cẩm Thạch xảy ra nhiều năm nay, nhưng gần đây tình trạng sạt lở rất nặng. Trước đây, bờ sông nằm xa hàng trăm mét, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nước sông đã xâm thực sâu vào đất sản xuất, uy hiếp nhiều khu dân cư”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó chủ tịch UBND H.Phú Hòa, tình trạng sạt lở bờ sông Ba đoạn qua H.Phú Hòa có nhiều điểm và rất phức tạp, nhiều diện tích đất canh tác bị cuốn trôi, hàng trăm hộ dân ở khu vực ven sông có khả năng bị ảnh hưởng nếu tình trạng sạt lở bờ sông không khắc phục kịp thời, nặng nhất là đoạn qua xã Hòa Định Tây. Trước đây, có một khu dân cư đã bị “xóa sổ” do tình trạng sạt lở của sông Ba và hiện nay có một đoạn bị sạt lở với chiều dài hơn 1 km, hàng trăm hộ dân đang bị ảnh hưởng.
Ông Tường cũng cho biết thêm: “Ở khu vực TT.Phú Hòa có 2 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, còn ở khu vực xã Hòa An có 3 điểm sạt lở với chiều dài hơn 3 km. Mấy năm gần đây, nước sông Ba đã xâm thực vào đất sản xuất tại các điểm sạt lở này từ 5 - 10 m, cuốn trôi hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp, uy hiếp nhiều khu dân cư”.
Không chỉ sạt lở bờ sông, tình trạng sóng biển xâm thực cũng uy hiếp nhiều khu dân cư ven biển. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện có 8 điểm sạt lở nặng, trong đó có 4 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài khoảng 3,6 km và 4 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 4 km. “Sạt lở bờ biển thường xảy ra vào mùa mưa bão, thủy triều lên kết hợp với sóng biển lớn đã gây ra những đợt triều cường xâm thực, cuốn trôi nhiều diện tích đất và uy hiếp nhiều khu dân cư. Riêng từ đầu năm đến nay xảy ra mấy đợt triều cường xâm thực, gần nhất là đợt cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, triều cường đã xâm thực tại khu vực thôn Giai Sơn, xã An Mỹ gây sạt lở đất sâu vào khoảng 5 - 7 m”, ông Phong nói.
Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết việc xây dựng kế hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh để từng bước triển khai thực hiện là rất cần thiết và cấp bách hiện nay. Hiện Sở đã có báo cáo tình hình sạt lở và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh gửi Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT).
Theo ông Lâm, Phú Yên đã đề xuất T.Ư hỗ trợ đầu tư 40 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng chiều dài gần 89 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.480 tỉ đồng.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 44 địa điểm, khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 90 km. Tại các sông lớn như sông Ba, Kỳ Lộ, Bàn Thạch, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp hơn, hiện có 17 điểm, tổng chiều dài hơn 65 km. Còn tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh cũng đáng báo động, hiện có 19 điểm, khu vực với tổng chiều dài hơn 20 km.
Bình luận (0)