​'Sát sử' đến đâu khi làm phim cổ trang?

Nguyên Vân
Nguyên Vân
13/05/2019 06:27 GMT+7

Tháng 6 tới, Phượng khấu - phim cung đấu dài tập xoay quanh cuộc đời Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Phạm Thị Hằng, phi tần của Hoàng đế Thiệu Trị và là mẹ ruột của Hoàng đế Tự Đức (được biết đến rộng rãi hơn với danh hiệu Từ Dụ Hoàng Thái hậu) sẽ ra mắt trailer, sau đó dự kiến phát trên nhiều nền tảng vào đầu năm 2020.

Gần 10 năm kể từ những phim truyền hình về lịch sử được sản xuất dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long: Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, đến nay mới có bộ phim cổ trang dài tập khai thác đề tài lịch sử VN là Phượng khấu (đạo diễn: Huỳnh Tuấn Anh, biên kịch: Tôn Thất Minh Khôi - Đỗ Ngọc Trí - Hằng Nguyễn, sản xuất: The Ocean, cố vấn lịch sử: GS sử học Lê Văn Lan - Nguyễn Khắc Thuần, tư vấn lịch sử hậu cung: Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi - chuyên trang về chuyện hậu phi và nội cung của lịch sử VN, sản xuất trang phục: Ỷ Vân Hiên - công ty chuyên phục dựng văn hóa truyền thống dân tộc VN, và phần mũ mão do nhà nghiên cứu - nghệ nhân Vũ Kim Lộc đảm nhận).
Chính sự khan hiếm này, cũng như được ê kíp thực hiện giới thiệu ban đầu “là phim với các tạo hình bám sát lịch sử nhất có thể”, nên Phượng khấu lập tức thành đề tài “săm soi” của cộng đồng quan tâm ngay khi dự án tung những bức ảnh đầu tiên.

Làm cổ phong ở VN cực kỳ khó

Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, phim dựa trên những sự kiện lịch sử trong chính sử cùng các giai thoại thơ mộng được ghi lại trong ngoại sử và lưu truyền trong dân gian, ở các triều đại nhà Nguyễn từ đời vua Thiệu Trị đến đời vua Tự Đức. Để chuẩn bị cho dự án này, ê kíp thực hiện chọn hình thức giới thiệu công khai từng tạo hình nhân vật trên fanpage Phượng khấu, cũng như đăng tải các thông tin chính thức xoay quanh bộ phim, như một diễn đàn để người yêu thích, quan tâm cùng trao đổi, mở mang kiến thức. Từ đây, những tranh cãi quanh việc “sát sử” làm dậy sóng dự án này, mà chủ yếu xoanh quanh khâu đạo cụ, phục trang, hóa trang, đặc biệt là bức ảnh NSƯT Thành Lộc trong tạo hình Hoàng đế Thiệu Trị với hai trang sức kim khánh và kim bài.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ: sự “ồn ào” này khiến “một số diễn viên hoang mang, yêu cầu chúng tôi làm rõ”. Ê kíp sau đó thừa nhận 2 trang sức kim khánh và kim bài trên bức ảnh đó đã bị đặt sai nhân vật, không phù hợp với địa vị của vai diễn.
Song song đó, Thiên Nam và Ỷ Vân Hiên đã lên kế hoạch để kiến giải mọi vấn đề phát sinh, đồng thời có các bài nghiên cứu đăng trên 3 trang: Thiên Nam, Ỷ Vân Hiên và Phượng khấu; cũng như sẵn sàng đón nhận mọi góp ý với tinh thần cầu thị.
'Sát sử' đến đâu khi làm phim cổ trang ?1
Nghệ sĩ Hồng Đào trong tạo hình của Hoàng thái hậu Từ Dụ

“Sát sử” đến đâu cũng chỉ là tương đối

Phượng khấu có sự tham gia của các diễn viên: NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Minh Trang, nghệ sĩ Hồng Đào, Kiều Trinh,Vân Trang, Huy Khánh, Jun Phạm, Diễm My 9X, Long Nhật, Thanh Tú, Hoàng Yến, Hằng Nguyễn, Trịnh Tú Trung, kiện tướng taekwondo Hồ Thanh Phong, Hoa hậu Hoàn vũ nhí Ngọc Lan Vy…
Còn nhớ trước khi phim Thái sư Trần Thủ Độ ra mắt, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cũng từng nói về vấn đề phục trang của nhân vật, rằng nếu làm đúng theo lịch sử thì chắc chắn khán giả sẽ chê, bởi trước khi lên Thăng Long, Trần Thủ Độ phải đóng khố, cởi trần, Trần Thị Dung phải nhuộm răng đen, mặc váy mốc; nhưng đây là phim truyện, không phải làm phim phục cổ, do đó người làm phim được quyền hư cấu trong một giới hạn nhất định để làm đẹp cho nhân vật.
Các nhà làm phim hẳn đều biết điều đó. Tuy nhiên, nói như đạo diễn Quốc Hưng (nổi tiếng với bộ phim lịch sử Ngọn nến hoàng cung), vấn đề sát sử đến đâu là điều luôn gây đau đầu, khó khăn nhất. “Tôi cho rằng góc độ nào cũng cảm tính, mang tính tương đối thôi. Bởi dù phim có được các nhà tư vấn hay cố vấn thì phải có tư liệu mới tư vấn được. Mà tư liệu thì thời đấy ngay cả chữ nghĩa cũng đã hiếm, huống chi hình ảnh. Do đó rất cần có tiếng nói chung giữa người làm và người xem, nếu không sẽ tranh cãi mãi”. Anh cũng nói thêm rằng vì nội cung có quy cách của nó, cấp bậc nào mặc màu áo gì, hoa văn ra sao…, trên cơ sở đó người làm phim suy ra, chứ không phải sáng tạo, sao cho vừa đảm bảo tính thẩm mỹ mà vẫn tạo cho người xem cảm nhận được màu sắc của thời được phim đề cập. Điều quan trọng hơn, theo anh: “Cái chính của phim lịch sử hay cổ trang đề tài lịch sử là ở chỗ câu chuyện, nhân vật hay như thế nào, đưa lại những bài học giá trị gì…”.
Có lẽ cũng chính vì phim về đề tài lịch sử lâu nay luôn trở thành “điểm nóng” để “soi, xét”, nên một ê kíp sản xuất khác -phim về cuộc đời Nguyên phi Ỷ Lan (đạo diễn Văn Công Viễn - Bùi Kim Quy) cho biết họ đã phải dành thời gian 5 năm: 2 năm cho nội dung kịch bản, 2 năm chuẩn bị và 1 năm cho công tác hậu kỳ của tác phẩm. Trong đó, phần nội dung kịch bản và biên kịch “ngốn” thời gian nhiều nhất, bởi hiện nay khi trong giai đoạn chuẩn bị, ê kíp vẫn phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cùng các cố vấn, chuyên gia lịch sử. Trong khi đó, “Để thực hiện Phượng khấu, chúng tôi phải làm một dự án nghiên cứu nhằm hệ thống hóa lại tất cả những kiến thức và những quy định về điển chế nội cung để có thể tiến hành bấm máy bộ phim”, Tôn Thất Minh Khôi (người sáng lập chuyên trang Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi) chia sẻ. Bởi theo anh, cùng với việc khắc họa cuộc đời những người phụ nữ trong cung, Phượng khấu còn lồng ghép yếu tố văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, điển chế và nghi lễ… của cung đình triều Nguyễn, để qua đó, có thể hình dung về một triều đại huy hoàng, vàng son nhung gấm trong quá khứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.