Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ QH ra quyết định xác định kết quả trưng cầu và phải được công bố chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: TTXVN |
Hôm qua 18.12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật, nghị quyết được QH khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10, gồm luật An toàn thông tin mạng, luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, luật Kế toán, luật Phí và lệ phí, luật Trưng cầu ý dân, luật Tố tụng hành chính, bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự...
Thông tin về luật Trưng cầu ý dân (có hiệu lực từ 1.7.2016), ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Luật gia VN, cho biết luật quy định QH xem xét, quyết định trưng cầu toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban Thường vụ QH ra quyết định xác định kết quả trưng cầu trong cả nước. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH xác định kết quả trưng cầu phải được công bố chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu, trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả chậm nhất 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại.
Luật cũng quy định cuộc trưng cầu hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với Hiến pháp phải được 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành. Theo ông Lê Minh Tâm, các tỷ lệ này của VN là cao hơn rất nhiều so với các quy định tương tự của nhiều nước khác.
Giới thiệu bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết bộ luật đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình.
7 tội danh được bãi bỏ hình phạt tử hình gồm: tội cướp tài sản; tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy. Bộ luật cũng bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Hai trường hợp không thi hành án tử hình là người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Bình luận (0)