Theo luật Trưng cầu ý dân, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ, kinh tế - xã hội..., liên quan đến lợi ích quốc gia.
Đại biểu bấm nút thông qua luật Trưng cầu dân ý - Ảnh: Ngọc Thắng |
Chiều nay 25.11, với trên 86% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Trưng cầu ý dân.
Theo quy định của luật, những vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước, hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Trước đó, giải thích về quy định thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: việc xác định thế nào là “đặc biệt quan trọng” gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để Quốc hội cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của luật này.
Theo luật Trưng cầu ý dân, kết quả trưng cầu có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.
Theo luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân. Trường hợp có từ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Việc kiến nghị và tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của luật Tổ chức Quốc hội.
Ngoài ra, luật quy định, ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Kinh phí tổ chức trưng cầu ý dân do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016.
Bình luận (0)