Các nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền quyết định 60 đến 80% chiều cao của một người. Đây là yếu tố không thể kiểm soát, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thay đổi 20 đến 40% còn lại, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Trong giai đoạn dậy thì, chúng ta thường tăng chiều cao từ 5 đến 7 cm/năm
Với hầu hết mọi người, chiều cao sẽ không còn tăng nữa sau năm 18 tuổi. Các thống kê cho thấy trong giai đoạn dậy thì, hầu hết chúng ta có thể tăng chiều cao từ 5 đến 7 cm/năm. Khi giai đoạn này kết thúc, chúng ta gần như sẽ không còn cao nữa. Tuy nhiên, cơ thể vẫn có thể phát triển theo chiều ngang.
Nghiên cứu cho thấy lý do chính làm chúng ta ngừng cao thêm là do xương, cụ thể là đĩa tăng trưởng của xương. Đĩa tăng trưởng nằm ở phần mô gần đầu xương ở trẻ em và thanh thiếu niên, quyết định chiều dài và hình dạng của xương khi trưởng thành.
Mỗi xương sẽ có ít nhất 2 đĩa tăng trưởng nằm ở 2 vị trí của đầu xương. Trong giai đoạn dậy thì, chúng ta cao hơn là do các đĩa tăng trưởng vẫn hoạt động và giúp xương dài ra. Khi tuổi dậy thì kết thúc, những thay đổi hoóc môn trong cơ thể làm các đĩa tăng trưởng này cứng lại và xương ngừng phát triển. Thông thường, các đĩa tăng trưởng sẽ cứng lại lúc tuổi 16 với nữ và 14 đến 19 tuổi ở nam.
Các chuyên gia cho biết sau tuổi 18, chúng ta vẫn có thể cao đôi chút nhưng chỉ có thể xảy ra trong giai đoạn 19 hay 20 tuổi. Đến sau 20 tuổi, chiều cao của hầu hết mọi người là không thể thay đổi.
Để tối ưu hóa chiều cao, mọi người cần biết cách chăm sóc cơ thể trong giai đoạn tuổi dậy thì. Điều đầu tiên cần chú ý là chế độ dinh dưỡng. Để cơ thể phát triển chiều cao ở mức tối ưu, thanh thiếu niên cần có chế độ ăn đủ chủ với vitamin, khoáng chất và nhiều dưỡng chất khác.
Thiếu chất có thể khiến tăng trưởng chiều cao chậm lại. Đặc biệt, thanh thiếu niên cần nạp đủ vitamin D và canxi. Đây là 2 dưỡng chất rất quan trọng với sự phát triển của xương, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health.
Bình luận (0)