Sau 'chiến dịch' thì sao?

03/12/2019 04:48 GMT+7

Đến hẹn lại lên, cứ gần tết thì hầu như ngành nào cũng có "chiến dịch", tuần cao điểm, tháng trọng điểm , đợt truy quét... Đáng nói là hết chiến dịch thì mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Đơn cử bắt đầu từ ngày 1.12, cảnh sát giao thông đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân năm 2020. Trong đợt cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trước đó không lâu, dịp khai giảng năm học mới, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cũng tổ chức thực hiện tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường. Giao thông là một trong những ngành có nhiều nhất các kế hoạch như thế này.
Lĩnh vực thực phẩm cũng tương tự. Thời điểm này, nhiều tỉnh thành cũng ra quân truy quét thực phẩm bẩn. Trong năm thì không thiếu những "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm"; những chương trình kêu gọi nói không với hàng kém chất lượng... Các tỉnh, thành thì đua nhau "chiến dịch", "lễ ra quân" vì môi trường, thiết lập kỷ cương đô thị, tuyên chiến với nạn quảng cáo khoan cắt bê tông... Chưa có thống kê chính thức xem một năm có bao nhiêu những tuần trọng điểm, tháng cao điểm, đợt truy quét, lễ ra quân... nhưng hết ngành này ngành kia, hết tỉnh này đến TP khác... hầu như lúc nào cũng có chiến dịch.
Phải khẳng định là các chiến dịch này đều cần thiết để gây sự chú ý, lôi kéo thêm nhiều người tham gia, hưởng ứng, từ đó hạn chế bớt các hành vi chưa phù hợp, chưa đúng, những sai trái, vi phạm trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Chỉ tiếc là, sau mỗi một chiến dịch rầm rộ thì mọi chuyện lại đâu vào đấy. Hầu như không có "hậu kiểm chiến dịch" để xem những kết quả thực hiện được có thực chất hay chỉ tạm lắng xuống; cường độ, liều lượng, giải pháp như vậy đã đủ chưa? Những vi phạm trong đời sống diễn ra phổ biến, hằng ngày thì những chiến dịch mang tính thời điểm không thể mang lại hiệu quả cao. Đó là chưa kể, cứ sau mỗi chiến dịch ồn ào, phô trương, có cảm giác cơ quan quản lý lại chùng xuống, những người làm nhiệm vụ lại "nghỉ ngơi" trong khi người vi phạm lại có thêm "kinh nghiệm" để né tránh... Riết rồi thành quy trình: vi phạm bùng phát, triển khai chiến dịch, mọi cái tạm lắng xuống. Hết chiến dịch lại bùng phát, lại ra quân... Vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại, vừa tốn kém tiền của, vừa thiếu hiệu quả, vừa khiến cho các chủ trương, mục tiêu tốt đẹp bị mất uy tín, trở thành "đầu voi đuôi chuột"...
Sẽ tốt và hiệu quả hơn nhiều nếu các lễ ra quân, các chiến dịch, những tháng trọng điểm, ngày hành động đi vào cuộc sống như một công việc thường ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.