Bờ sông, công viên, bến bãi... bị cá nhân, tổ chức lấn chiếm làm của riêng hàng thập niên nhưng không ai xử lý, dư luận đang đặt câu hỏi chính quyền địa phương ở đâu để tình trạng đất công thành đất tư tràn lan khắp nơi như vậy?
Lãnh đạo chính quyền có biết không? Xin thưa chắc chắn biết. Người dân chỉ cần đổ xe cát trước cửa nhà, cơi nới cái ban công, trổ thêm chút không gian hít thở không khí... thanh tra xây dựng, đô thị phường - quận có mặt ngay tức thì. Vậy nên việc chiếm cả công viên, đổ đất lấp cả con rạch, biến hành lang sông thành sân nhà mình... làm sao có thể qua mặt được các cơ quan có thẩm quyền? Vậy chính quyền biết nhưng tại sao công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại? Phải chăng chính quyền bất lực?
Xin thưa, rất khó nếu không muốn nói là không có khả năng này. Pháp luật về xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng rất đầy đủ, từ xử phạt hành chính, cưỡng chế đến xử lý hình sự đầy đủ cả. Nếu chính quyền làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình, đảm bảo không công trình sai phạm nào có thể tồn tại. Còn ở đây, vi phạm leo thang theo thời gian. Đơn cử như rạch Thủ Tắc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ban đầu chủ bãi đổ xà bần lấn rạch để làm chỗ đậu xe cho gia đình. Sau đó thấy “ngon ăn”, chủ bãi xe tiếp tục đổ đất đá lấn thêm, bãi đậu xe phình dần và hiện nay chủ bãi xe vẫn đang tiếp tục đổ đất lấn rạch trong nỗi bức xúc của các cư dân khu vực này. Chỉ có chính quyền vẫn làm ngơ.
Việc lấn bờ sông Sài Gòn ở P.Thảo Điền (Q.2) cũng tương tự, một hộ, một vài hộ rồi cả hành lang sông khu vực này được tư nhân hóa. Giả sử hộ đầu tiên có hành vi vi phạm mà chính quyền kiên quyết ngay từ đầu thì làm gì có chuyện cả một đoạn dọc bờ sông bị chiếm hết như vậy?
Chính quyền không thể và không bao giờ bất lực nhưng công trình vi phạm vẫn công khai tồn tại, chỉ có khả năng lớn nhất và duy nhất là chính quyền địa phương bao che, tiếp tay cho những vi phạm này.
Vậy ai bao che? Ai tiếp tay? Vì sao bao che? Vì sao tiếp tay là những vấn đề phải được làm rõ, làm đến cùng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thời gian qua, rất nhiều vụ vi phạm của lãnh đạo chính quyền địa phương, của các quan chức địa phương được “khui” ra đã khiến dư luận hết sức bức xúc. Vì dân sai thì bị xử lý ngay nhưng lãnh đạo sai thì được ngó lơ.
Kiểu xử lý vi phạm “nhìn mặt” này đang gây mất niềm tin của người dân vào chính quyền. Nói như Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, người quản lý nhà nước làm trái quy định thì không thể yêu cầu người dân làm đúng quy định được?
Thực tế đã có không ít công trình lớn trên địa bàn TP.HCM bị cắt ngọn khi lãnh đạo TP quyết liệt vào cuộc. Vì vậy, người dân TP đang trông chờ sự vào cuộc của lãnh đạo TP để làm rõ các sai phạm của chính quyền địa phương, để trả lại công viên, bờ sông, con rạch và quan trọng hơn, trả lại sự công bằng, bình đẳng của tất cả người dân, doanh nghiệp trước pháp luật.
Bình luận (0)