Giáo sư hay chiến sĩ thi đua?

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
27/11/2019 03:55 GMT+7

Các số báo gần đây, Thanh Niên đăng loạt bài Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư lại “dậy sóng” . Lại “dậy sóng” tức là đã từng “dậy sóng”. Mà không, không có lần xét nào lại không “dậy sóng” cả.

Một công việc tưởng chừng đơn giản khi đã có quyết định của Thủ tướng, có Hội đồng Giáo sư nhà nước... bỗng nhiên lại trở nên phức tạp.
Đọc đi đọc lại các bài viết trên Thanh Niên về vấn đề này, người viết có cảm giác như các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước đang... bình xét thi đua.
Người đọc thấy tức cười khi có trường hợp trượt vì... sinh con thứ ba. Chả bình xét thi đua là gì?
Việc lần nào công bố danh sách đều... “dậy sóng” có nhiều nguyên nhân. Lần này, có nguyên nhân xuất phát từ câu chữ trong Quyết định 37 của Thủ tướng, đoạn “không hướng dẫn đủ” dẫn đến chuyện “hiểu theo cách của mình”. “Không hướng dẫn đủ” là “có hướng dẫn nhưng thiếu” hay “không hướng dẫn” thì được “quy đổi” từ công trình khoa học? (Công trình khoa học là từ dùng chung cho bài báo, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích...). Tôi nghĩ, nếu có nhiều cách hiểu thì nên hiểu theo cách có lợi nhất cho ứng viên (1 nhỏ hơn 2 thì 0 cũng nhỏ hơn 2).
Lần nào cũng “dậy sóng” là vì, chưa xây dựng được bộ tiêu chí giáo sư, phó giáo sư khoa học, hợp lý, tiệm cận đến sự minh bạch nhất có thể. Điều này có khó không? Có thể khó với người thường chứ không khó với các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, những người có thể coi là ưu tú về khoa học. Vậy sao không tập trung thực hiện cho rốt ráo?
Việc xét công nhận phải qua ba vòng, trường (cơ sở), ngành (về chuyên môn) và hội đồng nhà nước. Hai vòng qua được, đến vòng “chung kết” bị trượt khiến ứng viên không “tâm phục khẩu phục”, đặt câu hỏi, 32 thành viên nhiều lĩnh vực khác nhau đâu có chuyên môn sâu để bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cho tôi?
Từ góc nhìn của một người dân, chuyện “lùm xùm” sau mỗi lần xét công nhận, ý kiến ra vào khiến xã hội giảm đi sự kính trọng với đội ngũ giáo sư. Có gì đó (xin lỗi các nhà khoa học) như thể tranh giành, hơn thua... cho dù đấu tranh cho sự công bằng là rất cần thiết.
Giáo sư, phó giáo sư phải có đủ tiêu chuẩn, nhất trí, nhưng ở một khía cạnh khác khó định lượng là sự thừa nhận của xã hội, trước hết là trong giới và trong sinh viên.
Trước năm 1975, ở miền Nam, người ta vẫn gọi “giáo sư tiểu học”, “giáo sư trung học”... đầy kính trọng. Chẳng xét, chẳng công nhận, chỉ là thừa nhận. Xã hội thừa nhận mới là điều quan trọng. Làm mất đi hình ảnh đó thì thật đáng tiếc.
Có một thực tế ít ai chú ý, trong các trường đại học hiện nay, rất ít khi sinh viên gọi các giáo sư được công nhận là… giáo sư một mực kính trọng như ngày xưa thường thế. Đó là chuyện không hề nhỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.