Thậm chí, có người còn cho rằng điều này trái quyết định của Thủ tướng.
Lý do “loại” không thuyết phục
Tiến sĩ Trần Quang Huy (Trường ĐH Phenikaa) là 1 trong 16 ứng viên (ƯV) giáo sư/phó giáo sư (GS/PGS) bị “trượt” ở vòng xét của Hội đồng GS nhà nước (GSNN) năm 2019. Sau khi đọc được bài Vì sao 16 ứng viên “trượt” giáo sư, phó giáo sư? đăng trên Thanh Niên Online ngày 18.11, anh Huy thấy việc giải thích “lý do trượt” đối với 16 ƯV của văn phòng (VP) Hội đồng GSNN là chưa thỏa đáng, ít nhất là đối với cá nhân anh và đồng nghiệp cùng ngành vật lý - PGS Phùng Văn Đồng.
Vì thế, sau khi đọc báo, anh Huy đã mấy lần gửi thư thắc mắc tới VP Hội đồng GSNN về trường hợp cá nhân mình. Theo thư trả lời của VP Hội đồng GSNN gửi tới anh Huy cuối ngày 22.11, các lý do anh không được đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng GSNN như sau: “ƯV chưa nghiêm túc kê khai theo mẫu bản đăng ký; chưa rõ về quá trình công tác và thời gian tham gia thỉnh giảng. Thâm niên giảng dạy quá ít: trong 3 năm cuối chỉ có 1 năm trực tiếp giảng dạy là có đủ minh chứng; 1 năm không đủ minh chứng; 1 năm không có giờ trực tiếp đứng lớp; các năm khác hoàn toàn không có thông tin về giảng dạy. Hội đồng đã thống nhất chưa đưa ƯV vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm của năm nay”.
Trao đổi với Thanh Niên, anh Huy khẳng định việc quy kết anh “chưa nghiêm túc kê khai theo bản mẫu đăng ký” là một kết luận cảm tính, không theo tiêu chuẩn nào, nên khó thuyết phục. Về kết luận thứ 2, anh Huy chia sẻ, anh có 4 năm liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ ĐH trở lên (trong đó có 3 năm cuối) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ và đã cung cấp đầy đủ minh chứng trong hồ sơ.
Tuy nhiên, Hội đồng GSNN đã bỏ sót, không xem xét đến các minh chứng giảng dạy của anh năm 2018 - 2019, nên việc kết luận “1 năm không đủ minh chứng” là không công bằng với anh. Theo Quyết định (QĐ) 37 của Thủ tướng về các thủ tục, điều kiện xét công nhận và bổ nhiệm chức danh GS/PGS, anh Huy chưa đủ thâm niên và giờ giảng, nhưng QĐ 37 cũng cho phép diện như anh được bù nếu điểm bài báo khoa học của anh đạt gấp đôi số điểm tối thiểu quy đổi. Tại thời điểm nộp hồ sơ, anh Huy có điểm công trình khoa học là 29,25 (“điểm chuẩn” cho ƯV PGS là 10) với 56 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus; hướng dẫn thành công 6 thạc sĩ; đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh và 1 học viên cao học; chủ biên và tham gia biên soạn 3 đầu sách; chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước (Nafosted) và 1 đề tài cơ sở đã bảo vệ thành công. Do vậy, anh hoàn toàn đáp ứng các quy định trong QĐ 37 (tại khoản 3, điều 6).
“Hội đồng GSNN kết luận “thâm niên giảng dạy quá ít” để đánh trượt tôi, vậy kết luận này dựa trên tiêu chuẩn nào? Quy định pháp lý nào? Hay đây cũng là một kết luận mang tính cảm tính? Trong QĐ 37 không quy định “ít” là bao nhiêu thì Hội đồng GSNN lấy cơ sở nào để áp dụng?”, anh Huy bức xúc.
Mất niềm tin vào chính sách khuyến khích tài năng
Còn về trường hợp “trượt” GS của ƯV cùng ngành vật lý với anh Huy là anh Phùng Văn Đồng, anh Huy cho rằng đó là một kết quả phi lý. “Anh Đồng có điểm công trình khoa học không chỉ rất cao, cao thứ 2 của ngành vật lý và cao thứ 6 của tất cả các ngành, mà là một trong những nhà khoa học đạt được Giải thưởng Tạ Quang Bửu (năm 2016), một trong những giải thưởng danh giá nhất hiện nay của Việt Nam về khoa học và công nghệ”, anh Huy lý giải.
“Nếu tôi bất ngờ về việc mình trượt là 1, thì với trường hợp anh Đồng, mức độ bất ngờ ấy là 10. Bởi, tôi tiếc cho những ước nguyện của Thủ tướng về việc chiêu mộ và khuyến khích nhân tài. Tôi tiếc cho các nhà khoa học trẻ tài năng sau này có thể bị mất niềm tin vào chính sách của nhà nước về khoa học và công nghệ. Tôi tiếc rằng hội đồng đã không tạo điều kiện khuyến khích cho những nhân tố đặc biệt như Phùng Văn Đồng phát huy tài năng”, anh Huy nhận xét.
Một trường hợp ƯV GS khác bị trượt khiến các nhà khoa học cùng lĩnh vực chuyên môn với ƯV ngạc nhiên, đó là trường hợp PGS Lê Hữu Song, Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Tổng điểm khoa học của anh Song là 41,6 điểm, cao thứ hai trong số 10 ƯV GS ngành y năm 2019.
Thành tích nổi bật của anh Song không chỉ là có nhiều bài báo quốc tế có chất lượng, được bằng khen của Thủ tướng (năm 2018),... mà còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong và ngoài nước có giá trị. Chẳng hạn như Bằng khen của Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (World Intellectual Property Organization WIPO); giải thưởng Alexandre Yersin 2018 do Hiệp hội Y khoa Thụy Sĩ - Việt Nam trao tặng cho công bố y học quốc tế xuất sắc; giải nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018. Đặc biệt, anh Song là ƯV GS duy nhất có giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ (giải thưởng danh giá nhất về khoa học công nghệ của nhà nước) và sở hữu 10 bằng phát minh, sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp (nên lưu ý rằng mỗi năm cả Việt Nam chỉ có khoảng 450 bằng sáng chế).
PGS Phùng Văn Đồng cũng đã tỏ ra ngạc nhiên trước phản hồi của VP Hội đồng GSNN, rằng PGS Đồng tuy được đưa vào diện bỏ phiếu, nhưng không được tín nhiệm, do điểm tích lũy để xét GS kể từ khi anh Đồng được công nhận là PGS còn mỏng, mà đề tài khoa học cấp Bộ/cấp nhà nước không có, giải pháp hữu ích không có; thiếu hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ.
Trong khi đó, PGS Đồng cho biết: “Tôi đã hoàn thành 4 đề tài Nafosted (đề tài thứ 4 vừa hoàn thành tháng 6.2019), tất cả đã được khai và minh chứng trong hồ sơ, sao Hội đồng GSNN nói tôi không có đề tài cấp Bộ/cấp nhà nước?”.
Về việc bị nhận xét là thành tích nghiên cứu khoa học từ khi là PGS còn quá ít (sau khi đã phải bù vào tiêu chuẩn thiếu 3 năm thâm niên), PGS Đồng bức xúc: “Sau khi được bổ nhiệm PGS (tháng 3.2018), đến thời điểm xét (hơn 1 năm), tôi đã công bố 6 bài SCI Q1 thuộc các tạp chí uy tín bậc nhất chuyên ngành (4 bài ở tạp chí Physical Review D, 1 bài ở tạp chí Journal of High Energy Physics, 1 bài ở tạp chí European Physical Journal C)...(còn tiếp).
Bị trượt PGS vì mắc lỗi sinh con thứ 3 ?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GSNN, cho biết lý do khiến 9 ƯV PGS bị Hội đồng GSNN đưa ra khỏi danh sách bỏ phiếu tín nhiệm năm nay khá đa dạng. Ngoài việc ƯV thiếu tiêu chuẩn “hướng dẫn 2 học viên được cấp bằng thạc sĩ”, thì còn do một số nguyên nhân khác, trong đó có nguyên nhân “đang trong thời gian bị kỷ luật”.
Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, có 1 ƯV trượt PGS cũng “đang trong thời gian bị kỷ luật” do sinh con thứ 3, là ƯV N.T.T, ngành y. Điều đáng chú ý, ƯV N.T.T có điểm khoa học cao thứ 2 trong số 29 ƯV PGS ngành y, là người đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về y học, là ƯV PGS duy nhất của ngành y được bằng khen của Thủ tướng và giải nhất Giải thưởng Vifotech (đều đạt năm 2018); là ƯV PGS duy nhất của cả nước có bằng phát minh, sáng chế (và có tới 10 phát minh, sáng chế).
Khi PV Thanh Niên hỏi về thông tin này, một thành viên Hội đồng GSNN xác nhận, một trong các lý do mà ƯV N.T.T bị đưa ra khỏi danh sách lấy phiếu tín nhiệm là do đang trong thời gian bị cơ quan kỷ luật vì sinh con thứ 3. Nhưng vị này cũng nêu quan điểm: “Trong cuộc sống có những cái lãng xẹt (tôi nói riêng ý này thôi, chứ hồ sơ của ƯV N.T.T còn thiếu cả tiêu chuẩn khác). Nếu giả sử có gì đó rơi vào quy định thì ngay cả quy định đó chưa thật là chuẩn mực thì mình không thể nói là vì không chuẩn mực mà mình không theo quy định”.
|
Bình luận (0)