Khoảng trống chính sách

28/11/2019 04:17 GMT+7

Loại hình khách sạn căn hộ (condotel) đã có mặt ở Việt Nam hàng chục năm, nở rộ cũng vài năm nay và tới lúc này cũng đã có dự án đổ bể...

Thế nhưng pháp lý cho condotel vẫn đang trong tình trạng chờ, không biết đến bao giờ.
Thiếu pháp lý là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đổ bể của Cocobay Đà Nẵng đang lùm xùm dư luận mấy ngày nay. Theo chủ đầu tư, vấn đề pháp lý của condotel hiện không rõ ràng, trong khi đó khách hàng gây sức ép với chủ đầu tư về việc thực hiện cam kết sổ đỏ - sổ hồng.
Đây cũng là tình trạng của hầu hết các condotel trên thị trường. Khi bán, đa số các chủ đầu tư đều cam kết sẽ có sổ hồng, sổ đỏ cho khách hàng. Có lẽ nhiều chủ đầu tư cũng tin rằng, vấn đề này sẽ được sớm giải quyết.
Vì không thể để một loại hình bất động sản phát triển mạnh mẽ trên thị trường như condotel, officetel (căn hộ văn phòng)... mà không định hình là loại bất động sản nào. Nên họ mạnh dạn cam kết.
Thế nhưng năm này qua năm khác, lý do này lý do khác, thị trường cứ phát triển, doanh nghiệp cứ đầu tư, khách hàng cứ mua, cơ quan có thẩm quyền cứ lấn cấn... tới lúc dự án vỡ trận vẫn chưa quyết được pháp lý cho loại hình bất động sản này.
Nhưng chẳng riêng gì condotel, chuyện chính sách đi sau vẫn diễn ra ở khắp nơi. Mấy năm trước, thị trường loạn nhà đầu tư chạy theo tiền ảo, không ít dịch vụ công khai PR quảng cáo thanh toán bằng tiền ảo nhưng cơ chế, chính sách cho vấn đề này cứ loay hoay.
Đến mức, máy đào tiền ảo về tới cổng hải quan, đơn vị này lúng túng không biết có cho thông quan hay không vì một mặt thấy tuyên bố tiền ảo không được công nhận ở Việt Nam nhưng mặt khác, không thấy có quy định nào ngăn cấm, hạn chế nhập máy đào...
Trong khi cơ quan quản lý loay hoay hỏi, chờ nhau thì các xưởng, các trung tâm đào tiền ảo mọc lên, tiêu tốn điện năng, hàng loạt bạn trẻ bỏ bê học hành, công việc chui vào những xưởng này thuê máy đào... Chỉ đến khi tiền ảo thế giới rớt giá, hàng loạt người trong nước thua lỗ, vỡ nợ thì trào lưu này mới tạm lắng xuống.
Hay chính sách cho taxi công nghệ là điển hình về sự chậm trễ, thiếu quyết đoán với một loại hình kinh doanh mới dẫn tới không biết bao nhiêu kiến nghị, tranh cãi, thậm chí đưa nhau ra tòa của các bên liên quan.
Tính từ thời điểm khởi động sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đến nay đã hơn 2 năm, trong khi thị trường đã quá quen thuộc với Grab, trước đó là Uber thì cơ quan có thẩm quyền vẫn loay hoay hết gắn mào rồi lại gỡ mào, rồi lại dán miếng phản quang... để phân biệt taxi truyền thống và công nghệ.
Những khoảng trống pháp lý được tạo ra bởi sự chậm trễ như nói trên đang tạo ra rủi ro cho cả nhà đầu tư, khách hàng và cơ quan quản lý. Bên cạnh những hệ lụy về tài chính, niềm tin thì hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, dễ làm chùn lòng doanh nghiệp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.