Sáu cựu quan chức đường sắt hầu tòa vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản

24/10/2015 11:19 GMT+7

(TNO) Ngày 26.10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử 6 cựu quan chức ngành đường sắt, vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản .

(TNO) Ngày 26.10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử 6 cựu quan chức ngành đường sắt, vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản.

6 cựu quan chức ngành đường sắt bị xét xử, gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, cựu Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt - RPMU, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, cựu Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, cựu Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cựu Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, cựu Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (40 tuổi, cựu Phó giám đốc RPMU).

Cả 6 bị cáo cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Để phục vụ công tác xét xử, ngày 23.10, cơ quan chức năng tống đạt lệnh bắt tạm giam 4 bị cáo: Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy.

Trước đó, Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái cũng đã bị bắt tạm giam. Như vậy, tính tới trước ngày xét xử, cả 6 bị cáo trong vụ án đã bị bắt tạm giam.

Theo cáo trạng truy tố: Tháng 10.2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) và giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án cho RPMU, đồng thời thành lập tổ dự án tuyến 1 gồm 21 thành viên, do Phạm Hải Bằng làm Chủ nhiệm dự án.

Duong-satTrần Văn Lục (đứng phát hiểu) khi còn đương chức

Ngày 9.9.2009 RPMU ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số công ty khác.

Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng nêu một số khó khăn của RPMU về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC và phía JTC đồng ý hỗ trợ một khoản kinh phí. Đại diện của JTC tại Việt Nam lúc đó là ông Kiuchi, Giám đốc thực hiện dự án và Sakine, Phó ban Đối ngoại, đã đồng ý hỗ trợ một khoản kinh phí cho RPMU.

Sau khi có thỏa thuận trên, Phạm Hải Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện. Từ tháng 9.2009 - 2.2014, JTC đã chuyển cho Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy số tiền 11 tỉ đồng.

Sau khi nhận 11 tỉ đồng, Phạm Hải Bằng trực tiếp quản lý, sử dụng 4,8 tỉ đồng. Nguyễn Nam Thái tiếp nhận 3,4 tỉ đồng. Số còn lại Phạm Hải Bằng giao cho Phạm Quang Duy quản lý, sử dụng.

11 tỉ đồng đã được các bị cáo sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, làm ngoài giờ… Ngoài ra còn chi các hoạt động nghỉ mát… vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân. Phạm Hải Bằng khai đã biếu Trần Văn Lục 100 triệu đồng, Trần Quốc Đông 30 triệu đồng, Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng vào các dịp Tết.

Quá trình điều tra, các bị cáo đã tự nguyện nộp lại một phần tiền cho Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả: Phạm Hải Bằng nộp 970 triệu đồng và 7000 USD, Phạm Quang Duy nộp 65 triệu đồng, Nguyễn Nam Thái nộp 600 triệu đồng, Trần Văn Lục nộp 100 triệu đồng, Trần Quốc Đông nộp 30 triệu đồng.

Theo cáo trạng, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái sử dụng nêu trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.