Sau đợt 'mưa vàng', Nam bộ lại nắng gay gắt

Chí Nhân
Chí Nhân
17/04/2023 06:06 GMT+7

Nam bộ đang bước vào giai đoạn chuyển từ mùa nắng sang mưa nên sau vài ngày mưa lại đến chuỗi ngày nắng nóng gay gắt rất khó chịu. Chu kỳ này sẽ lặp lại vài lần trước khi mùa mưa chính thức bắt đầu.


Mưa vắng, nắng tăng

Đợt nắng nóng vượt 37 độ C ở Nam bộ bị cắt ngang bằng trận mưa lớn kéo dài trên diện rộng tối 15.4. Tại các tỉnh miền Tây, mưa bắt đầu từ cuối giờ chiều. Cụ thể tại TP.Cần Thơ, mưa bắt đầu khoảng 16 giờ 30 phút và kéo dài gần một giờ đồng hồ. Trận mưa lớn nhất kể từ đầu mùa đã gây ngập một số tuyến đường. Tại các quận trung tâm ở TP.HCM, mưa bắt xuất hiện khoảng 20 giờ 30 phút và nhiều nơi kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Trong cơn mưa, nhiều nơi kèm theo gió giật mạnh và giông sét. Dù thời gian mưa khá ngắn nhưng số liệu đo đạc của cơ quan khí tượng thủy văn cho biết lượng mưa tại Đức Hòa (Long An) đạt 56,8 mm, Thới Sơn (An Giang) 73,6 mm, Tri Tôn (An Giang) 79,4 mm. Tại TP.HCM, lượng mưa tại Thủ Đức là 22,8 mm, Củ Chi 27,2 mm, Hóc Môn 61,8 mm. Đặc biệt, nhiều nơi lượng mưa xấp xỉ và vượt 100 mm (trên 50 mm là mưa to) như: Bình Chánh (TP.HCM) là 95.4 mm, Xuân Tô (An Giang) 103,2 mm, Mỹ Lâm (Kiên Giang) 134,6 mm...

Sau đợt “mưa vàng”, Nam bộ lại nắng gay gắt - Ảnh 1.

Tối 15.4, cơn mưa chuyển mùa với lượng lớn kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ tại nhiều nơi ở Nam bộ

CHÍ NHÂN

Cơn mưa sau chuỗi ngày nắng nóng khiến nhiều người dân TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung gọi đùa là "mưa vàng", giúp giải nhiệt phần nào không khí oi bức kéo dài những ngày trước đó.

Đến chiều và tối hôm qua 16.4, khu vực Tây nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10 - 30 mm, có nơi trên 50 mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh và mưa đá ở những vùng có địa hình đồi núi. Nhiều người cũng đặt câu hỏi mưa có tiếp tục kéo dài trong những ngày tới hay không. Theo dự báo, trong ngày hôm nay (17.4) mưa vẫn tiếp tục xuất hiện ở Nam bộ nhưng lượng và diện bị thu hẹp đáng kể. Đợt mưa chuyển mùa này chấm dứt và tiếp theo sau là chuỗi ngày nắng nóng liên tiếp khoảng 10 ngày. Trong chuỗi ngày nắng nóng này, do ảnh hưởng của đợt mưa vừa dứt nên nền nhiệt những ngày đầu khoảng 33 - 34 độ C, tiếp tục tăng dần và có thể lên đến 36 - 37 độ C vào thời điểm cuối tuần (ngày 23 - 24.4). Đến khoảng ngày 26.4, một đợt mưa mới lại xuất hiện sau chuỗi ngày nóng bức.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Trận mưa hiện nay có thể xem là mưa chuyển mùa. Kiểu thời tiết đặc trưng của giai đoạn này là sẽ có một đợt mưa ngắn xen giữa chuỗi ngày nắng to kéo dài thường là từ 7 - 10 ngày. Chu kỳ này lặp đi lặp lại vài lần rồi mới vào mùa mưa, tùy theo từng năm mà sự lặp lại này nhiều hay ít. Mùa mưa ở Nam bộ đến sớm thì thường vào cuối tháng 4 và muộn là cuối tháng 5. Cá biệt năm 1998, mùa mưa đến rất muộn khi bắt đầu vào tháng 6.

Vì sao có "mưa vàng" lại càng nóng thêm ?

Đó là câu hỏi với rất nhiều người dân TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung. Trong suy nghĩ, ai cũng cho rằng mưa xuống thì nóng tan. Trận mưa to tối hôm trước sẽ làm không khí ngày hôm sau dịu mát. Thế nhưng thực tế không xảy ra như vậy. Không khí oi bức vẫn giữ nguyên trong ngày hôm qua và cả những ngày mưa rải rác trước đó. Sáng sớm 16.4, anh Nguyễn Thanh Nguyên (ngụ Q.10) cùng bạn bè dậy sớm đi uống cà phê, ăn sáng để tận hưởng không khí mát mẻ trong lành sau trận "mưa vàng giải nhiệt". Tuy nhiên, không như anh mong đợi; bầu trời trắng đục như sữa vì hơi ẩm kết hợp với bụi mịn trong không khí. Đến gần 9 giờ thì nóng bức khiến nhiều người có cảm giác không chịu nổi. Không khí oi bức khiến người ẩm ướt rất khó chịu nên đa số mọi người đều phải di chuyển vào phòng có máy lạnh ngồi cho bớt mồ hôi. "Tôi lấy điện thoại ra xem thời tiết thì thấy báo nhiệt độ chỉ 32 - 33 độ C nhưng nhiệt độ cảm nhận được báo lên đến 38 - 39 độ C. Theo giải thích trên các ứng dụng thời tiết thì do độ ẩm cao làm nhiệt độ thực tế cảm nhận tăng", anh Nguyên chia sẻ. Cùng cảm nhận trên, anh Nguyễn Văn Tuấn ngụ Q.5 nói: "Mấy ngày trước đi làm thường ở trong máy lạnh nên không hình dung rõ nắng nóng thế nào. Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua cứ thấy rất khó chịu, đổ mồ hôi cả ngày đến mức phải tắm 3 - 4 lần/ngày mà vẫn thấy nóng bức và mất vệ sinh vì người luôn ẩm ướt mồ hôi".

Ở thời điểm hiện tại, Nam bộ vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa và nhiều khả năng mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu từ đầu tháng 5 ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh ven biển phía tây của ĐBSCL như Kiên Giang, Cà Mau. Các tỉnh thành còn lại sẽ đón mùa mưa vào giữa tháng 5. Riêng TP.HCM, mùa mưa bắt đầu trong khoảng từ ngày 5 - 10.5. Chính vì vậy, có thể nhận định mùa mưa năm nay tương đương trung bình nhiều năm.

Th.S Lê Thị Xuân Lan

Nắng nóng oi bức cũng khiến nhiều người đổ bệnh. Đặc biệt, hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình cũng tăng vọt do sử dụng máy lạnh, quạt mát nhiều hơn.

Th.S Xuân Lan giải thích: Nóng và oi bức là kiểu thời tiết đặc trưng của giai đoạn chuyển mùa. Nguyên nhân là do các đợt mưa làm cho độ ẩm trong không khí cao. Hơi nước trong không khí khi gặp nắng nóng bốc hơi lên độ cao 500 - 600 m để hình thành mây. Trong quá trình chuyển từ thể hơi sang nước trong các đám mây nó tỏa thêm nhiệt lượng vào không khí làm cho cảm giác nóng càng khó chịu. Đây là giai đoạn bắt buộc phải có để chuyển sang mùa mưa. "Mùa mưa ở Nam bộ được xác định là khi gió mùa tây nam hoạt động mạnh, đều và liên tục. Hiện tại, Nam bộ còn chịu ảnh hưởng của gió chướng còn gió tây nam yếu nên chưa vào giai đoạn mùa mưa. Bên cạnh đó, mùa mưa ở Nam bộ là kiểu thời tiết rất đặc trưng sáng nắng chiều mưa liên tục và nó thường xuất hiện ít nhất 3 - 4 ngày trong tuần", bà Lan cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.