Sau hơn 3 tháng xâm nhập vào VN, sâu keo mùa thu đã xuất hiện ở 46 tỉnh, thành, khiến hàng chục ngàn héc ta cây ngô (bắp) bị cắn phá.
Tốc độ gây hại và lây lan cực nhanh
Bà Đào Thị Khuyên, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Điện Điên, cho biết tại địa phương sâu keo mùa thu được phát hiện đầu tiên ở H.Tuần Giáo. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, loại sâu này đã lây lan đến khắp các huyện trong tỉnh với tốc độ gây hại chưa từng có.
Điểm khó nhất của loài sâu mới này là đẻ trứng không theo một chu kỳ cố định. Các loài sâu bình thường, nông dân định kỳ phun thuốc để diệt trứng sâu là diệt được. Nhưng với loài sâu keo mùa thu, chúng đẻ trứng gối lứa liên tục, có khi vừa phun thuốc phòng trừ hôm trước, hôm sau thăm đồng đã thấy trứng sâu mới. Sâu có tốc độ phá hoại mạnh nhất là sau khi trứng nở khoảng 10 ngày và thường chui vào nõn ngô cắn phá nên nếu phun thuốc không đúng cách, đúng thời điểm thì rất khó tiêu diệt.
Theo bà Khuyên, ngoài sâu keo mùa thu mới được phát hiện cuối tháng 3, đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6 loài sâu gié cũng phát triển nhanh tấn công hai loại cây trồng ngô và lúa. “Sức ăn lá của những loài sâu này rất mạnh. Có những nương ngô từ khi phát hiện sâu chỉ sau 1 - 2 ngày là toàn bộ lá bị ăn sạch”, bà Khuyên nói.
Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Điện Biên, cũng cho biết nông dân trồng ngô ở địa phương này đang chịu thiệt hại nặng nề bởi sức tàn phá ghê gớm của sâu keo mùa thu. Lúc cao điểm, toàn tỉnh có trên 5.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu. Cho đến nay, sau nhiều đợt phun phòng trừ vẫn còn khoảng 1.200 ha nhiễm loại sâu này. Sâu keo mùa thu tàn phá mạnh cộng với tình trạng khô hạn nên không ít nông dân bỏ luôn cả nương ngô.
|
Địa phương có diện tích trồng ngô lớn nhất miền Bắc là tỉnh Sơn La cũng đang vật lộn với loài sâu keo mùa thu. Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh Sơn La, vào thời điểm cao nhất toàn tỉnh có gần 10.000 ha ngô nhiễm sâu, tập trung nhiều ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Phù Yên.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Văn Hùng, Phó chi cục trưởng, Chi cục BVTV tỉnh Sơn La, cho rằng loài sâu mới này ăn tạp nên tốc độ phá hoại rất nhanh. Trong số diện tích bị nhiễm, đã có trên 100 ha ngô bị sâu ăn trụi lá hoàn toàn, không thể phục hồi. “Hiện toàn tỉnh đã xử lý được khoảng 8.500 ha ngô đang ở thời kỳ chín sữa nhưng nguy cơ sâu quay trở lại tấn công, cắn phá là rất cao”, ông Hùng lo lắng.
Nỗ lực ngăn chặn
Thông tin từ Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ cuối tháng 3, qua rà soát lấy mẫu ở các tỉnh phía bắc đã phát hiện loại sâu nghi là sâu mới. Cục đã gửi mẫu tới Trung tâm nông nghiệp và sinh học quốc tế tại Anh (CABI) và Học viện Nông nghiệp VN. Kết quả giám định sau đó của hai đơn vị này đều trùng khớp khẳng định sâu keo mùa thu (Spodoptera Frugiperda) đã xâm nhập vào VN. Chỉ sau hơn 3 tháng, loài sâu này đã được ghi nhận xuất hiện ở 46 tỉnh, TP ở phía bắc, Tây nguyên, lan đến vùng Tây Nam bộ. Cũng theo điều tra của Cục BVTV, mật độ sâu keo mùa thu ở mức cao bình thường là 20 - 30 con/m2 và cá biệt có nơi lên tới 50 - 70 con/m2. Thống kê của Cục đến ngày 12.7, cả nước đã có gần 15.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, trong đó nặng nhất là các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Gia Lai.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Cục BVTV, cho biết đây là lần đầu tiên ngành BVTV ghi nhận một loại sâu hại có tốc độ lây lan, mức độ phá hoại rất nhanh. Trong các loài thực vật sâu có khả năng xâm nhiễm thì ngô là ký chủ chính. “Khảo sát mức độ nguy hại ở nhiều địa phương, loài sâu này ăn lá ngô đến mức “như tằm ăn lá dâu”. Sâu có khả năng phá hoại từ lúc con non cho đến khi trưởng thành, ăn suốt ngày đêm nên xuất hiện đến đâu thì vùng trồng ngô bị ăn tan hoang đến đấy”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, đặc điểm nguy hiểm của loài sâu keo mùa thu này là tốc độ sinh sản rất nhanh, vòng đời một con sâu có thể đẻ tới 10 ổ trứng và mỗi ổ có tới 200 quả. Để phòng trừ hiệu quả, nông dân phải phun thuốc khi sâu còn non, vì để sâu trưởng thành thì khả năng sâu chống thuốc rất tốt, phun thuốc gần như không có tác dụng. “Nếu không phòng trừ sớm và đạt hiệu quả, diện tích ngô bị nhiễm sâu có thể mất đến 50% năng suất”, ông Dương cảnh báo.
Cũng theo ông Dương, trong số các tỉnh nhiễm sâu keo mùa thu, Gia Lai bị thiệt hại nặng nhất và đang xin ý kiến để công bố dịch. Ở một số tỉnh, TP khác dù chưa công bố dịch nhưng chính quyền địa phương cũng chủ động xuất kinh phí dự phòng, cấp phát thuốc hỗ trợ nông dân phun diệt loài sâu nguy hại này. “Nếu xét về điều kiện, quy định công bố dịch, sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới, tốc độ phá hoại mạnh trên diện rộng đáp ứng một trong những điều kiện để công bố dịch. Nhưng ở phần còn lại, Cục BVTV đang hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương áp dụng kết hợp nhiều giải pháp khống chế, tiêu diệt sâu, nếu hiệu quả và tiến tới kiểm soát được thì chưa nhất thiết phải công bố dịch”, ông Dương nói.
4 hoạt chất diệt sâu keo mùa thuTrao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng BVTV - Cục BVTV, cho biết sâu keo mùa thu được phát hiện đầu tiên tại H.Thanh Chương (Nghệ An). Để tiêu diệt loài sâu này, Cục BVTV đã ban hành và hướng dẫn các địa phương tạm sử dụng 4 hoạt chất gồm: Bacillus thuringiensis sử dụng khi mới phát hiện có sâu, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày, liều lượng 300 - 500 gr/ha. Khi sâu ở tuổi 1 - 2 và cây ngô ở giai đoạn 4 - 6 lá thật có thể sử dụng các loại thuốc có một trong những hoạt chất Spinetoram (liều lượng 30 - 36 gr/ha), Indoxacarb (75 gr/ha), Lufenuron (30 gr/ha) phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 10 - 12 ngày. Mỗi hoạt chất trên sử dụng pha với lượng nước từ 400 - 600 lít/ha phun theo hàng, tập trung phun vào mặt, nách lá.
Cũng theo ông Phong, hiện tại Cục BVTV đang thử nghiệm một số hoạt chất mới có hiệu quả tiêu diệt sâu cao hơn và dự kiến sẽ công bố trong khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để các địa phương sử dụng.
|
Gây hại trên 300 loài thực vật khác nhauTheo Cục BVTV - Bộ NN-PTNT, sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới châu Mỹ. Tháng 1.2016, đã ghi nhận loài này di cư, xâm nhập châu Phi và chỉ trong 2 năm loài sâu này đã lây lan ra khắp các quốc gia ở châu lục này. Ở châu Á, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên phát hiện sâu keo mùa thu vào tháng 5.2018, sau đó là nhiều quốc gia khác như Banglades, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan. Tháng 1.2019, Trung Quốc phát hiện có sâu keo mùa thu tại tỉnh Vân Nam và đến tháng 3 Lào cũng công bố có sâu keo mùa thu.
Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Cục BVTV, sâu keo mùa thu có khả năng di trú hàng ngàn ki lô mét. Do phát tán theo gió nên chỉ trong một đêm loài sâu này có thể lây lan trên quãng đường 100 km. Tại Thái Lan, chỉ sau 3 tháng phát hiện, sâu keo mùa thu lây lan đến 50 tỉnh khác nhau. Qua các nghiên cứu cho thấy, sâu keo mùa thu có thể gây hại trên 300 loài thực vật khác nhau như ngô, bông, đậu tương, rau, mía…
Trước sự lây lan và sức tàn phá của sâu keo mùa thu, tháng 3.2019, FAO đã tổ chức một hội nghị quốc tế tại Thái Lan để cảnh báo nhiều quốc gia về loài sâu này. Còn ở trong nước, Bộ NN-PTNT cũng có báo cáo chính thức gửi đến Thủ tướng Chính phủ về loại sâu hại mới xâm nhập vào VN.
|
Bình luận (0)