Sau King Kong sẽ là gì?

28/02/2016 09:06 GMT+7

Đoàn làm phim Hollywood quay nhiều cảnh cho bộ phim “bom tấn” của mình tại Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long. Nghĩa là, nhiều cảnh đẹp Việt Nam sẽ được quảng bá miễn phí khắp thế giới. Nhưng không thấy ngành du lịch có động thái gì.

Đoàn làm phim Hollywood quay nhiều cảnh cho bộ phim “bom tấn” của mình tại Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long. Nghĩa là, nhiều cảnh đẹp Việt Nam sẽ được quảng bá miễn phí khắp thế giới. Nhưng không thấy ngành du lịch có động thái gì.

Sau Quảng Bình, cảnh đẹp Ninh Bình sẽ xuất hiện trong phim Kong:  Skull Island. Ảnh: P.ViSau Quảng Bình, cảnh đẹp Ninh Bình sẽ xuất hiện trong phim Kong: Skull Island. Ảnh: P.Vi
Dường như chẳng ai nhắc đến việc ngành du lịch VN sẽ làm gì sau khi đoàn làm phim rời đi. Thậm chí, kiểm tra khắp các báo lẫn trang mạng của ngành du lịch, tôi cũng không tìm được thông tin về kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch VN, cụ thể là nơi đoàn làm phim chọn làm bối cảnh, trước và sau khi bộ phim được trình chiếu. Kể cả việc bảo tồn một số bối cảnh để phục vụ du khách cũng không được nói tới.
Vậy thì chúng ta hào hứng với đoàn làm phim Kong: Skull Island để làm gì, nếu không có kế hoạch, chiến lược nào nhằm tận dụng cơ hội quảng bá điểm đến VN ra thế giới?
Năm 2011, tôi có dịp đến Phuket (Thái Lan) và theo lời khuyên của nhiều người, lẫn sức hút quảng cáo dày đặt trên các tour biển của các công ty du lịch địa phương, tôi đã lên tàu đi vịnh Phang Nga với mục đích duy nhất: thăm đảo James Bond. Sở dĩ đảo có cái tên rất Tây và gắn liền với nhân vật huyền thoại của loạt phim điện ảnh nổi tiếng của Mỹ - James Bond là do nơi này từng xuất hiện trong phần phim The Man With the Golden Gun công chiếu năm 1974. Cho đến nay, du khách vẫn nườm nượp kéo ra đảo James Bond để tắm biển. Dù đối với tôi, biển này bình thường, thậm chí nguy hiểm vì bãi biển có đá cạnh rất bén.
Năm ngoái, tôi đến Bali, đảo du lịch thiên đường của Indonesia. Việc di chuyển tới Bali từ TP.HCM không hề dễ dàng, vì không có chuyến bay trực tiếp, hầu hết phải chuyển tiếp tại Singapore hoặc Jakarta. Thế nhưng, tôi vẫn tìm tới sau nhiều lần lưỡng lự. Tôi đã đưa Bali vào danh sách phải đến của mình sau khi đọc cuốn tự truyện nổi tiếng Eat, Pray, Love (Ăn, Nguyện cầu và Yêu) của nữ nhà văn Mỹ Elizabeth Gilberts vào năm 2010 và sau đó coi phim chuyển thể cùng tên do Julia Roberts đóng. Phim có những cảnh quay tuyệt đẹp trải dài từ Ý qua Ấn Độ và cuối cùng là Bali; khả năng diễn xuất tuyệt vời của Julia Roberts khi vào vai một phụ nữ trung lưu đã quyết định lên đường đi chơi sau những đổ vỡ... khiến tôi choáng ngợp. Hành trình của cô là “đến Ý để ăn, đến Ấn Độ để cầu nguyện và đến Bali để yêu” đã lôi cuốn rất nhiều du khách phương Tây và Mỹ đến Bali để thưởng ngoạn phong cảnh lãng mạn. Bali trước đó gần như chỉ có du khách Úc.
Đừng ảo tưởng, rằng King Kong sẽ mang tới cho VN một làn sóng du khách mới. Chẳng nhiều du khách đến đâu, khi bản thân chúng ta không biết cách kết hợp với hình ảnh trong phim để quảng bá, giới thiệu, chào mời. Chẳng nhiều du khách đến đâu, khi bản thân chúng ta chưa thật sự chuyên nghiệp trong dịch vụ; chưa đảm bảo an toàn cho du khách, khi nạn cướp giật, chặt chém vẫn còn đe dọa… 
Sức ảnh hưởng của phim ảnh tới một điểm đến là rất khủng khiếp. Nhiều nơi chỉ sau một cuốn phim đã trở nên phổ biến và được du khách tìm tới, như đảo James Bond. Có nơi đã đông khách càng đông khách hơn, như Bali. Dĩ nhiên, ngành du lịch địa phương phải tìm cách quảng bá, tiếp thị và chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ vận chuyển để đưa khách đến nơi họ muốn tìm tới. Chẳng có nơi nào ngồi im chờ cơ hội mà thành công. Phim ảnh chỉ là chất xúc tác, nó có thể khiến du khách tìm tới sau khi phim được chiếu. Còn sau đó, khách có tiếp tục tìm đến suốt cả 40 năm như đảo James Bond hay không phụ thuộc vào chiến lược, tầm nhìn thu hút khách của chính quyền địa phương, của ngành du lịch.
Thực tế, dù VN chưa phải là điểm đến của nhiều phim Hollywood như Philippines hay Thái Lan, nhưng từ xưa đến nay VN cũng là sự lựa chọn của không ít phim nổi tiếng thế giới như Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trầm lặng… và hàng loạt phim truyền hình của các đài nước ngoài quay ở Hội An, Huế, Phong Nha… Nhưng ngành du lịch trung ương và địa phương đã không có bất kỳ kế hoạch nào trong việc tận dụng sức ảnh hưởng của phim để quảng bá điểm đến. Vì thế, mọi thứ đều trôi vào quên lãng một cách lãng phí. Du khách nước ngoài tới VN không phải vì những phim này, chẳng qua tới VN và tiện thể tìm tới một vài nơi để hồi tưởng lại quá khứ.
Đông Dương được các nhà làm phim Pháp thực hiện một số cảnh quay ở VN vào năm 1991, với sự tham gia của minh tinh Catherine Deneuve. Phim được quay ở vịnh Hạ Long và nữ diễn viên chính từng lưu trú tại khách sạn Hạ Long 1 và khách sạn Cửu Long (Majestic) ở TP.HCM. Còn phim Người tình được quay ở nhiều điểm tại miền Tây, trong đó có nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ). Các khách sạn, nhà cổ này đều cực kỳ nổi tiếng đối với du khách nước ngoài, nhất là khách Pháp và Mỹ thế hệ những người lớn tuổi. Những phòng khách sạn mà Catherine Deneuve ở hiếm khi để trống vì nhiều khách đặt trước. Tuy nhiên, đó tất cả đều là “hữu xạ tự nhiên hương”, còn ngành du lịch chưa bao giờ tận dụng chúng để quảng bá nhằm tạo điểm nhấn.
Cảnh đẹp tuyệt bời của Sơn Đoòng một lần nữa lên phim Mỹ, nhưng ngành du lịch lại bỏ lỡ cơ hội quảng bá du lịch Việt - Ảnh: Independent.co.uk

Để những cảnh quay ở VN trong Kong: Skull Island không trôi vào quên lãng uổng phí, ngành du lịch VN, cụ thể là Bộ VH-TT-DL và Tổng cục du lịch, ngay từ bây giờ phải vạch ra một kế hoạch dài hơi để quảng bá. Nếu được, có thể xem lại các thỏa thuận hợp tác với hãng phim để coi liệu có dùng được một số cảnh quay ở VN để đưa vào phim quảng bá du lịch. Ngoài ra, dùng hình ảnh của một số cảnh quay giới thiệu trong các hội chợ du lịch quốc tế, các diễn đàn, sự kiện quảng bá du lịch trong và ngoài nước từ quy mô nhỏ tới quy mô lớn. Đưa hình ảnh nơi từng làm phim trường vào các tờ rơi quảng cáo du lịch VN; doanh nghiệp lữ hành dùng hình ảnh này đưa vào tour tuyến quảng bá, giới thiệu với đối tác nước ngoài để họ chào bán tour cho mình… Đó là cả một quá trình, một kế hoạch dài hơi, chứ không thể chộp giật. Kế hoạch quảng bá này là cho cả điểm đến VN, chứ không riêng gì Phong Nha, Ninh Bình, Hạ Long. Bên cạnh đó, cũng đừng quên bảo tồn, lưu giữ và kể cả cải tạo để thuận tiện hơn trong việc phục vụ du khách ở những địa điểm được đoàn làm phim chọn làm bối cảnh.
Vậy nên đừng ảo tưởng, rằng King Kong sẽ mang tới cho VN một làn sóng du khách mới. Chẳng nhiều du khách đến đâu, khi bản thân chúng ta không biết cách kết hợp với hình ảnh trong phim để quảng bá, giới thiệu, chào mời. Chẳng nhiều du khách đến đâu, khi bản thân chúng ta chưa thật sự chuyên nghiệp trong dịch vụ; an toàn cho du khách còn chưa đảm bảo, khi nạn cướp giật, chặt chém vẫn còn đe dọa… Thời nay, sung chẳng rụng nếu ta không chủ động rung cây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.