Sau lời phê bình

11/06/2024 03:59 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản phê bình 3 sở (TN-MT, QH-KT, GD-ĐT), 5 địa phương (UBND quận 3, 5, 8, Bình Thạnh, TP.Thủ Đức) cùng hàng loạt chủ đầu tư chậm trễ giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm 2024. Việc phê bình này không phải lần đầu.

Hồi đầu tháng 4.2024, 4 ban quản lý (BQL) dự án lớn (BQL đường sắt đô thị, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, và BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị) được giao 60% tổng vốn kế hoạch đầu tư công cũng bị phê bình vì thiếu quyết liệt giải ngân khiến tiến độ công trình chậm trễ.

Ở chiều ngược lại, lãnh đạo TP.HCM cũng gửi thư khen các chủ đầu tư, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao. Sự thưởng phạt phân minh đó đã tạo ra những hiệu ứng tích cực. Các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình và quyết liệt hành động, kết quả chuyển biến từng ngày.

Ngoài chuyện thưởng phạt, giải ngân đầu tư công ở TP.HCM còn đang đối diện nghịch lý sau mỗi đợt phát động thi đua thì tốc độ lại có chiều dừng, giảm. Điều này đặt ra câu hỏi, không lẽ phải phát động thi đua quanh năm thì cỗ máy mới chịu chuyển động. Tuy nhiên, trong nền công vụ hiện đại, nếu bộ máy chỉ vận hành trơn tru khi phát động thi đua hay khen thưởng, phê bình là điều không ổn. Nó cho thấy có sự trì trệ và thiếu kết nối giữa các bộ phận trong nền hành chính của đô thị luôn được coi là năng động nhất cả nước.

Nhìn lại đầu tư công ở TP.HCM những năm gần đây, tỷ lệ giải ngân đều không cao, chỉ trên dưới 70%. Công bằng mà nói, TP.HCM đã làm nhiều việc nhằm đạt mức lý tưởng nhất là 95% như chỉ đạo của Thủ tướng, nếu không cũng phải đạt mức bình quân cả nước. Từ chương trình hành động, kế hoạch phân bổ vốn cho đến khen thưởng, nhắc nhở, phê bình, thậm chí là chế tài cắt thu nhập tăng thêm đối với lãnh đạo đơn vị giải ngân dưới 80% đều đã áp dụng.

Năm 2023, Thành ủy và HĐND TP.HCM cùng vào cuộc, thành lập các đoàn giám sát để động viên, đôn đốc, tháo gỡ. Đặc biệt, Thành ủy TP.HCM còn tổ chức hội nghị chuyên đề được ví như "hội nghị Diên Hồng" về đầu tư công để mổ xẻ vướng mắc, tìm giải pháp tăng tốc.

Trong 63 tỉnh thành, TP.HCM luôn là địa phương được giao vốn đầu tư lớn, năm 2023 gần 69.000 tỉ đồng, năm 2024 hơn 79.000 tỉ đồng. Nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra thủ tục lòng vòng là nguyên nhân chính kìm hãm. Ngoài phần xây lắp, một dự án trải qua đủ loại thủ tục từ bồi thường tái định cư, cấp giấy phép môi trường, thỏa thuận đấu nối điện nước, điều chỉnh quy hoạch, thanh quyết toán... Chỉ một khâu bị tắc, giá trị giải ngân không được tạo ra.

Kinh nghiệm từ những quận, huyện có tỷ lệ giải ngân đầu tư công top đầu TP.HCM cho thấy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan trọng. Chính sự hành động quyết liệt, đeo bám tới cùng và không ngại va chạm đã tạo ra kỳ tích giải ngân gần như tuyệt đối.

Trên bình diện chung cả nước, trong nhiều cuộc thị sát, Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu chủ đầu tư, bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để "vượt nắng, thắng mưa", đưa công trình về đích nhanh nhất. Chỉ có hành động thực chất mới có kết quả thực chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.