Sau ngày 30.9: Người dân thắc mắc đang ở các tỉnh, muốn vào TP.HCM phải làm sao?

27/09/2021 18:05 GMT+7

Có hộ khẩu, có công việc tại TP.HCM nhưng kẹt ở các địa phương khác trong thời gian giãn cách xã hội , nhiều người đặt câu hỏi: Sau ngày 30.9 quay lại TP.HCM thế nào? CSGT ở các chốt kiểm soát cửa ngõ có giải đáp dưới đây.

TP.HCM sau ngày 30.9 được người dân kỳ vọng dần nới lỏng giãn cách để cuộc sống từng bước trở lại bình thường mới. Một bộ phận người dân ở TP.HCM mong đây là dịp được qua các chốt kiểm soát cửa ngõ để về quê, nhiều người ở địa phương khác cũng mong sẽ được các chốt kiểm soát cho qua để vào TP.HCM vì có hộ khẩu, tạm trú hoặc công việc tại đây.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ 0 giờ ngày 9.7, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) tái thiết lập 12 chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở khu vực cửa ngõ. 

Covid-19 sáng 28.9: Cả nước 766.051 ca mắc, 538.454 ca khỏi | TP.HCM chuẩn bị chi gói hỗ trợ đợt 3

Ai được qua chốt kiểm soát cửa ngõ vào TP.HCM?

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tại chốt kiểm soát ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây thời gian qua, CSGT đã yêu cầu nhiều người đi xe ô tô cá nhân định vào TP.HCM quay đầu. Nguồn tin của PV cho biết, đa số các trường hợp muốn vào TP trình bày cần vào tiêm vắc xin, cần về nhà vì hộ khẩu ở TP hoặc đi liên hệ công tác... Tuy nhiên, tất cả các trường hợp trên đều không được giải quyết và được yêu cầu quay đầu về lại Đồng Nai.
Đến thời điểm hiện tại, số xe được yêu cầu quay đầu ít hơn vì người dân đã nắm được các quy định, không còn tình trạng đến chốt kiểm soát mới biết không vào được TP.HCM.

Các chốt, trạm kiểm soát cửa ngõ dự kiến vẫn được duy trì sau 30.9

Ngọc Dương

Trước đó, CSGT Cát Lái trực chốt kiểm soát này cũng phối hợp với Thanh tra Sở GTVT TP.HCM xử lý một số trường hợp xe chở người qua chốt không đảm bảo giãn cách. 
Tại chốt kiểm soát Tỉnh lộ 8 (đoạn chân cầu Phú Cường) giáp ranh huyện Củ Chi và Bình Dương do Đội CSGT An Sương phụ trách ít có trường hợp người dân đi tự túc xin qua chốt, thay vào đó, đa phần các xe qua chốt này là xe tải có mã QR và xe cấp cứu có hợp đồng, điểm đi, điểm đến rõ ràng.
"Từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", CSGT không giải quyết cho các trường hợp cá nhân qua chốt kiểm soát. Một số trường hợp đi tái khám bệnh, đi chuyển viện có hồ sơ bệnh án đầy đủ mới được giải quyết", nguồn tin chia sẻ.
Tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại Quốc lộ 50 (đoạn giáp Long An) do Trạm CSGT Đa Phước phụ trách, lượng xe qua lại chỉ bằng phân nửa so với các chốt quanh đó. CSGT trực chốt tuyệt đối không giải quyết cho các trường hợp đi ô tô, xe máy cá nhân qua chốt. Theo đó, chỉ có xe chở hàng hóa thiết yếu, xe phục vụ phòng chống dịch, xe của lực lượng chức năng mới được CSGT giải quyết để ra, vào chốt cửa ngõ. 

Xóm trọ nghèo Sài Gòn sau 4 tháng thất nghiệp: ‘Nôn nao đi làm vì kiệt quệ rồi’

Sau ngày 30.9, việc đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh thế nào?

Chiều 27.9, PV Thanh Niên đặt câu hỏi: "Sau ngày 30.9, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, có thẻ xanh có thể tự chạy xe vào TP.HCM được không?". Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết đến thời điểm hiện tại, TP vẫn đang họp bàn. Có thể ngày 28 hoặc 29.9, TP sẽ có thông báo, hướng dẫn di chuyển cụ thể.
Do đó, đến thời điểm này, 12 chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của Phòng PC08 tại khu vực cửa ngõ vẫn duy trì hoạt động bình thường. 

12 chốt, trạm kiểm soát cửa ngõ TP.HCM được tái thiết lập từ ngày 9.7.2021, duy trì đến nay

Ngọc Dương

Trong dự thảo chỉ thị mới, TP.HCM tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra, vào TP và 39 chốt tại địa bàn các cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bố trí các chốt kiểm soát lưu động và tăng cường kiểm soát lưu động tại các điểm giao thông có mật độ cao. 
Cũng trong dự thảo này, TP.HCM cho phép hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt đường thủy tối đa 50% công suất. Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động, phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh. Người cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, có sử dụng công nghệ (shipper) đã đăng ký với Sở GTVT hoặc Sở Công thương và người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được hoạt động với điều kiện tiêm đủ vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc được xét nghiệm định kỳ.
"Phối hợp với các địa phương tổ chức việc đi lại cho các đối tượng ưu tiên: công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh... Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất", dự thảo chỉ thị mới sau ngày 30.9 của TP.HCM nêu.
Trong dự thảo tổ chức giao thông trên địa bàn từ ngày 1.10, đối với các chốt, trạm kiểm soát cửa ngõ, TP.HCM cũng chỉ nhắc đến kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa và phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia. Ngoài ra, dự thảo có nêu các yêu cầu đối với người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh và hoạt động đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.