Ngày 26.3 vừa qua, Grab ra thông báo đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo thỏa thuận mua lại giữa các bên thì Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, và CEO của Uber sẽ tham gia vào việc điều hành Grab.
Cũng trong ngày 26.3, TAND TP.HCM đã tổ chức buổi hòa giải đầu tiên về vụ kiện hành chính giữa người khởi kiện là Uber B.V và người bị kiện là Cục trưởng Cục thuế TP.HCM. Đây là lần thứ 2 Uber B.V kiện Cục Thuế TP.HCM ra tòa.
Việc Grab mua lại cổ phần Uber thì đối tượng khởi kiện trong vụ án có bị thay đổi không?
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông Grab Việt Nam, cho biết do vụ kiện có liên quan đến các vấn đề đã phát sinh trước ngày hoàn tất giao dịch chuyển nhượng hoạt động kinh doanh từ Uber sang Grab tại Việt Nam, do vậy Grab không có bất kỳ quyền, nghĩa vụ trong vụ kiện. Và Uber sẽ là bên ra quyết định có theo đuổi vụ kiện hay không.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia pháp luật khẳng định Uber hay Grab tiếp tục tham gia vụ kiện là do thỏa thuận của hai bên trong giao dịch chuyển nhượng.
Nếu Uber chấm dứt tồn tại, Grab phải thừa kế quyền và nghĩa vụ về thuế
Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng LS Kết Nối, Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng trong câu chuyện Grab Việt Nam mua lại bộ phận hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam thì có 2 khả năng xảy ra.
Cụ thể, nếu Grab chỉ mua lại hạ tầng kinh doanh (cơ sở vật chất, phần mềm, hạ tầng kinh doanh) của Uber thì không làm phát sinh việc kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ của Grab đối với việc Uber khởi kiện Cục trưởng Cục thuế TP.HCM tại TAND TP.HCM. Trường hợp này Uber vẫn là nguyên đơn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tố tụng trong vụ kiện.
Nếu Grab mua lại Công ty của Uber (Công ty đang trực tiếp đứng ra khởi kiện Cục trưởng Cục thuế TP.HCM) theo hình thức sáp nhập, hợp nhất thì Căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 74 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì: "Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng".
“Như vậy nếu rơi vào trường hợp sáp nhập, hợp nhất công ty thì Grab mới là người kế thừa quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng, khởi kiện Cục trưởng Cục thuế TP.HCM tại TAND TP.HCM”, LS Hùng nói.
|
LS Trần Tấn Tài (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc Grab có thừa kế quyền và nghĩa vụ của Uber trong vụ kiện hay không phụ thuộc vào giao dịch mua bán giữa các bên.
“Nếu sau khi giao dịch, chấm dứt sự tồn tại của Uber, thì có thể hiểu việc mua bán này thông qua hình thức sáp nhập doanh nghiệp. Khi sáp nhập doanh nghiệp (Uber sáp nhập vào Grab) thì ngay trong Hợp đồng sáp nhập phải thể hiện nội dung bắt buộc như: phương án sử dụng lao động, chuyển phần vốn góp....; chịu trách nhiệm các khoản nợ, kế thừa các quyền và nghĩa vụ sau khi sáp nhập... theo điều 195 Luật doanh nghiệp Việt Nam hiện hành”, LS Tài phân tích.
Từ đó, theo LS Tài, khi đã sáp nhập thì "thuế mà Uber nếu bị truy thu" và vụ "Uber kiện Cục trưởng Cục thuế TPHCM tại TAND TP.HCM" là nghĩa vụ phát sinh mà Grab sau này tiếp tục phải trực tiếp thực hiện.
Trường hợp nếu có thỏa thuận nào khác về nghĩa vụ thuế giữa Grab và Uber khi sáp nhập thì Grab phải chứng minh bằng các văn bản thỏa thuận đúng pháp luật giữa các bên.
Tòa từng đình chỉ vụ Uber kiện Cục trưởng Cục thuế TP.HCM
Tháng 12.2017, Uber B.V khởi kiện lần 1 đối với Cục trưởng Cục thuế TP.HCM.
Đến ngày 4.1.2018, TAND TP.HCM đã đình chỉ giải quyết vụ án, bởi theo giấy ủy quyền được chứng thực ngày 7.1.2016 và hợp pháp hóa lãnh sự ngày 9.11.2016 thì không có nội dung Uber B.V ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam đại diện khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa án.
Trước đó, sau khi tiến hành thanh tra, đầu tháng 9.2017, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỉ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan). Trong đó, phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỉ đồng, truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỉ đồng. Ngoài ra, Uber phải nộp thêm 4,9 tỉ đồng là tiền chậm nộp tính đến ngày 31.8.
Sự việc sau đó được Uber B.V khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời chính thức, theo đó bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỈ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM.
Đến ngày 13.12.2017, Cục Thuế TP.HCM ra tối hậu thư yêu cầu Uber B.V nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày (tức không quá ngày 23.12.2017). Tuy nhiên, hết thời hạn công ty này mới nộp 13,3 tỉ đồng. Phần còn lại, Uber B.V cho biết sẽ khởi kiện ra tòa.
Hiện tại, Cục thuế TP.HCM đang xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài Chính về việc cưỡng chế truy thu thuế 53,3 tỉ đồng còn lại trong tổng số 68,8 tỉ đồng bị truy thu của Uber B.V.
|
Bình luận (0)