Sau sắp xếp bộ máy, UBND cấp tỉnh có không quá 14 sở, ngành

Thu Hằng
Thu Hằng
19/12/2024 17:00 GMT+7

Việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh bảo đảm tổng số không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở. Thời gian dự kiến để các địa phương hoàn thành sắp xếp là trước ngày 20.2.2025.

Đây là hướng dẫn trong văn bản định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp bộ máy tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh vừa được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/T.Ư của Chính phủ ký ngày 18.12.

Sau sắp xếp bộ máy, UBND cấp tỉnh có không quá 14 sở, ngành- Ảnh 1.

Thời gian dự kiến để các địa phương hoàn thành sắp xếp bộ máy là trước ngày 20.2.2025

ẢNH: T.N

Hợp nhất 10 sở thành 5 sở

Theo văn bản này, đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tiếp tục duy trì các sở (có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong), gồm: Sở Tư pháp; Sở VH-TT-DL (hoặc Sở VH-TT đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở T.Ư, Ban Chỉ đạo định hướng, gợi ý hợp nhất như sau: hợp nhất Sở KH-ĐT và Sở Tài chính, tên gọi của sở sau hợp nhất dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính. Sở Kinh tế - Tài chính tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất.

Sở GTVT và Sở Xây dựng hợp nhất, tên gọi dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông. Sở này tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất.

Sở TN-MT và Sở NN-PTNT hợp nhất, tên gọi dự kiến là Sở NN-MT. Về chức năng, nhiệm vụ, Sở NN-MT tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất.

Sở TT-TT và Sở KH-CN hợp nhất, tên gọi dự kiến là Sở KH-CN và Truyền thông. Sở sau khi hợp nhất sẽ tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất.

Sở LĐ-TB-XH và Sở Nội vụ hợp nhất, tên gọi dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động. Chức năng tham mưu của sở này là giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới.

Ban Chỉ đạo cũng định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, chuyển nhiệm vụ đối với 3 sở tương ứng với sắp xếp các bộ ở T.Ư.

Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em và phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng quỹ bảo trợ trẻ em theo quy định từ Sở LĐ-TB-XH chuyển sang và tiếp nhận nhiệm vụ theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động của ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).

Sở GD-ĐT tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB-XH chuyển sang.

Sở Công thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công thương và tổ chức lại thành chi cục quản lý thị trường thuộc Sở Công thương.

Cơ cấu, sắp xếp lại các sở đặc thù

Theo định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo, các sở đặc thù được cơ cấu, sắp xếp, gồm: Ngoại vụ; Du lịch; Quy hoạch và Kiến trúc (đối với TP.HCM và Hà Nội), An toàn thực phẩm (được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù) và Ban Dân tộc.

Theo đó, đối với các địa phương đang có Sở Ngoại vụ thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án sáp nhập vào Văn phòng UBND cấp tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đối với các địa phương đã sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND cấp tỉnh thì tiếp tục thực hiện như hiện nay.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc thực hiện sáp nhập vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn, Hà Nội và TP.HCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở GTVT và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại hai địa phương này.

Với Ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm của cơ quan tại địa phương thực hiện sắp xếp như sau: đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc, thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo (ở T.Ư) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐ-TB-XH.

Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí), thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND cấp tỉnh về Sở Nội vụ - lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

Các địa phương đang có Sở Du lịch thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở VH-TT thành Sở VH-TT-DL hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đối với Sở An toàn thực phẩm, theo định hướng của Ban Chỉ đạo, trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các sở: Y tế; Công thương; NN-MT.

Thời gian dự kiến để các địa phương hoàn thành việc sắp xếp là trước ngày 20.2.2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28.2.2025.

Ngoài định hướng, gợi ý trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, các địa phương căn cứ tình hình, đặc điểm, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu triển khai thực hiện việc sắp xếp theo thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.