Ngay sau sự cố sập mạng Gapo vào chiều ngày ra mắt và sáng hôm qua (24.7), ông Dương Vi Khoa - Giám đốc Chiến lược Gapo đã đăng tải một status trên trang Facebook cá nhân nhằm thanh minh về sự cố, qua đó ông thừa nhận rằng Gapo đang gặp phải tình trạng “crash và tắc nghẽn” do hệ thống quá tải khi lượng người truy cập đạt tới giới hạn. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng điều này chứng tỏ mạng xã hội này có độ “hot” nhất định. Qua Facebook, đại diện của Gapo đã xin lỗi người dùng và cho rằng đây là bài học đắt giá mà họ cần rút kinh nghiệm.
Trước lời phân trần này, nhiều người cũng thông cảm với vị giám đốc chiến lược của Gapo, nhưng cũng không ít người hoài nghi về năng lực của mạng xã hội này và thậm chí họ còn đặt câu hỏi: Sao vị giám đốc chiến lược của mạng xã hội Gapo lại dùng mạng xã hội khác (Facebook) để thông báo về sự cố của mình? Tất nhiên, vị đại diện Gapo đã im lặng trước câu hỏi này.
Ai đứng sau Gapo?
Theo công bố tại sự kiện ra mắt, mạng xã hội Gapo (do Công ty cổ phần công nghệ Gapo phát triển) sẽ nhận được một khoản cam kết đầu tư lên tới 500 tỉ đồng từ quỹ G-Capital. Nhưng chính Gapo và G-Capital lại cùng thuộc Công ty cổ phần tập đoàn G (G-Group) do ông Phùng Anh Tuấn làm chủ tịch, nên động thái này ít nhiều đón nhận sự hoài nghi của giới phân tích.
|
Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, G-Group được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỉ đồng, trong đó ông Phùng Anh Tuấn góp tới 87% vốn trước khi thoái hết vốn nhưng vẫn giữ chức chủ tịch của tập đoàn này. Đáng chú ý, ông Tuấn còn là chủ tịch kiêm CEO của chuỗi cầm đồ F88 (thuộc G-Group), chuỗi cầm đồ này hiện nằm trong danh mục đầu tư của Mekong Capital. Ngoài ra, dưới trướng G-Group còn hai công ty khác đáng chú ý nữa là công ty cổ phần thanh toán G (Gpay) và Công ty truyền thông giải trí BeatVN vốn khá nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ các vụ “bóc phốt”. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà hôm nay trang chủ G-Group đã gỡ F88 ra khỏi danh sách công ty thành viên, tức chỉ còn lại 8 công ty thành viên nếu tính cả Gapo (chưa đưa vào trang web của G-Group).
Với hơn 1.000 nhân sự và 8 công ty thành viên, tập trung vào lĩnh vực công nghệ và tài chính. G-Capital là một quỹ đầu tư mạo hiểm nằm trong mạng lưới của G-Group và do em trai ông Tuấn là ông Phùng Anh Tú làm chủ tịch. Trong khi đó, Công ty cổ phần công nghệ Gapo được thành lập ngày 17.6.2019 với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, G-Group và Công ty giải pháp công nghệ cao Việt SIFO mỗi công ty đóng góp 35%, 30% còn lại do ông Hà Trung Kiên - Tổng giám đốc Gapo góp vốn. Ông Kiên cũng chính là Tổng giám đốc của GPay trực thuộc G-Group.
Nói cách khác, Gapo thực chất là một mạng xã hội do G-Group đứng sau vận hành thông qua Công ty cổ phần công nghệ Gapo, với các cổ đông chính đều là lãnh đạo của G-Group và ngay cả số vốn cam kết cũng do một quỹ đầu tư của G-Group đưa ra.
Câu hỏi về độ "ảo" của các tài khoản Gapo
Nếu thực sự cán đích 50 triệu người dùng, Gapo sẽ trở thành mạng xã hội phổ biến thứ hai ở Việt Nam, chỉ xếp sau Facebook với 58 triệu người dùng tính đến giữa tháng 7.2019 theo số liệu của Statista. Tuy nhiên, cả hai vẫn thua cột mốc 100 triệu người dùng mà Zalo tuyên bố đạt được vào tháng 5.2018, nhưng hiện Zalo chưa có giấy phép mạng xã hội và đang dính tới các nghi vấn về pháp lý nên tạm chưa tính.
Mới đây, một số người dùng còn lên tiếng phát hiện việc Gapo đã “sao chép” các điều khoản người dùng từ Google và biên tập lại một cách "qua loa" để đưa vào ứng dụng của họ, điều khá ngạc nhiên cho một ứng dụng thương mại và được phát triển nghiêm túc như Gapo. Bên cạnh đó, các tuyên bố chung chung về chia sẻ doanh thu và “nghi vấn về tài khoản ảo”, có vẻ như mạng xã hội này chưa thực sự nghiêm túc trong khâu thu hút người dùng thực. Để kiểm chứng, chúng tôi đã thử đăng ký tài khoản và lập tức 30 phút sau đã có vài “hot girl avatar” gửi yêu cầu kết bạn, điều khó thấy ở các mạng xã hội và càng khiến nhiều người đặt câu hỏi về độ “ảo” của các tài khoản Gapo.
Tương tác người dùng là các yếu tố cốt lõi của mạng xã hội, nếu các nội dung và người dùng trên đó là ảo thì sớm muộn Gapo cũng đi theo lối mòn của các mạng xã hội “made in Vietnam” đã “ra đi không kèn không trống” trước đó ở Việt Nam như Go.vn, Hahalolo, VietnamTa… Đây sẽ là bài toán không dễ cho các mạng xã hội non trẻ như Gapo, nếu họ muốn phát triển dài hạn.
Bình luận