Tuy nhiên, sau khi ra mắt, từ chiều qua tới sáng nay nhiều người dùng đã phản ánh tình trạng chập chờn của mạng xã hội này.
Theo công bố tại sự kiện ra mắt, Gapo là mạng xã hội của người Việt đã được đầu tư phát triển từ tháng 4.2019 và chính thức ra mắt vào hôm qua. Với tông màu xanh lá làm chủ đạo, mạng xã hội này nhắm mục tiêu vào giới trẻ Việt với mục tiêu thu hút 3 triệu người dùng đến năm 2020 và 50 triệu người dùng tính đến năm 2021. Theo ông Chu Đức Minh, Giám đốc công nghệ của Gapo, mạng xã hội này sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) mà máy học (machine learning) để tự động kiểm duyệt các nội dung văn bản, video và hình ảnh.
Ngoài những tính năng cơ bản của một mạng xã hội như nhắn tin, post bài, kết bạn, like, share, Gapo còn có thêm tính năng trang trí bài viết, yêu cầu định danh tài khoản người dùng. Gapo cũng có tính năng lọc từ khóa tự động, có đội ngũ kiểm duyệt, lọc tin xấu dựa trên report (báo cáo) từ người dùng.
Ngoài các tính năng, giao diện thì mạng xã hội này còn có những tuyên bố khiến cư dân mạng xôn xao. Theo đó, Gapo tuyên bố sẽ tiến hành chia sẻ doanh thu với người dùng. Người dùng không cần phải là 1 KOL (nhân vật có sức ảnh hưởng), chỉ cần bài viết có nhiều lượt xem, người dùng sẽ được trả tiền cho nội dung mà họ đăng tải trên Gapo. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ hơn về cơ chế thanh toán thì phía Gapo chưa trả lời được và cho biết chính sách chia sẻ doanh thu vẫn đang còn “nghiên cứu”.
Gapo không phải là mạng xã hội đầu tiên ở Việt Nam tuyên bố là mạng xã hội người Việt đi kèm những mục tiêu “thay thế Facebook” hay thu hút hàng triệu người dùng. Nhưng dự án này thu hút sự chú ý của dư luận do nhận được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ quỹ G-Capital cho giai đoạn 2019-2021 với mục tiêu 50 triệu người dùng.
Tài khoản ảo còn nhiều, ứng dụng thường xuyên bị lỗi
|
Theo quan sát, ứng dụng Gapo dùng giao diện tiếng Việt và quy trình khá đơn giản nên việc đăng ký dễ dàng. Trong quá trình đăng ký, ứng dụng Gapo cho phép bạn chọn một trong ba hình thức tạo tài khoản, bao gồm đăng ký qua Facebook, qua tài khoản Google và qua số điện thoại. Sau khi đăng ký, Gapo sẽ đưa ra gợi ý các danh mục mà bạn quan tâm như hot girl, thể thao, giải trí, tin tức, người nổi tiếng… và dùng các từ khóa này để đưa ra các đề xuất khi bạn sử dụng ứng dụng, một dạng thuật toán dựa trên từ khóa đơn giản.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện Gapo mới chỉ có ứng dụng cho di động (Android và iOS), chưa hỗ trợ phiên bản web. Theo ghi nhận của phóng viên, từ chiều qua đến sáng nay, khá nhiều người dùng gặp phải tình trạng chập chờn hoặc không kết nối được với máy chủ, dù việc đăng ký và đăng nhập vẫn có thể thực hiện bình thường.
|
Ngoài ra, do mới lập nên nội dung mạng xã hội này gần như chưa có gì, các tài khoản Gapo tự gợi ý hầu như chỉ mới là các tài khoản “ảo”, dù bài viết của các tài khoản ảo này có nhiều lượt like nhưng nội dung bài viết và các comment gần như “viết cho có”, do vậy thiếu cơ sở cho số lượng lượt thích này, nếu không muốn nói là “like ảo” - một dạng “chạy quảng cáo” thường thấy trên các mạng xã hội hiện nay.
Nhìn chung, ngoài tuyên bố về khoản đầu tư khủng, trải nghiệm của Gapo chưa thực sự tạo được khác biệt với các mạng xã hội từng tuyên bố “của người Việt” khác, nếu không muốn nói là thua kém các mạng xã hội phổ biến hiện nay. Hơn nữa việc dùng lợi thế tiếng Việt và nhắm vào giới trẻ khá mâu thuẫn, bởi giới trẻ hiện nay đã khá thành thạo tiếng Anh và có nhu cầu giao tiếp xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, sự khác biệt không đáng kể và gần như người dùng đang bội thực với các tài khoản mạng xã hội, nên xem ra mục tiêu thu hút 50 triệu người dùng của Gapo còn nhiều thách thức ở phía trước nếu không có các thay đổi kịp thời.
Bình luận (0)