Sài Gòn – nơi nhiều người xa xứ cố gắng bám trụ để mưu sinh qua ngày, cũng là nơi nhiều người gửi gắm ước mơ đổi đời. Gần 20 năm làm việc ở Sài Gòn, vợ chồng anh Danh Cảnh tằn tiện chi tiêu mong kiếm ít vốn về quê làm ăn, nhưng quá thời gian dự tính vẫn chưa đủ vốn thì lại thất nghiệp, ước mơ đổi đời đành dang dở…
Gói mì vợ chồng chia đôi
Sau khi lập gia đình, anh Danh Cảnh (38 tuổi, quê Kiên Giang) và chị Kha Thị Luân (38 tuổi, quê Nghệ An) nổi tiếng trong xóm trọ là vợ chồng chịu khó làm ăn, sống tiết kiệm. Hơn 10 năm trời làm công nhân, anh chị xác định chỉ tiêu tiền lương của chồng, toàn bộ lương vợ được gửi sổ tiết kiệm đều đặn hằng tháng, làm vốn sau này về quê làm ăn.
|
Ngay cả khi có con, anh chị cũng bớt mọi khoản chi tiêu cá nhân để lo cho con được đầy đủ nhất nhưng nhất quyết không đụng tới số tiền đã tiết kiệm. Anh Cảnh cho biết, thu nhập của anh khoảng 8 – 9 triệu mỗi tháng, đây là số tiền rất lớn so với ở quê nên việc tằn tiện chi tiêu với anh không quá khó.
Vợ anh lại là người ham công tiếc việc và chịu khó nên số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng cứ vậy ngày một nhiều lên. Khi tưởng chỉ còn 1 – 2 năm nữa là có thể đủ vốn thì cả 2 cùng lúc mất việc vì công ty giải thể.
Chị Luân kể, ngày công ty thông báo nghỉ việc, chị khóc lên khóc xuống, cuộc sống đang êm đẹp bỗng chốc bị xáo trộn hết lên cả. Chị cùng chồng đi tìm việc khắp nơi nhưng ở đâu mức lương cũng không bằng công ty cũ, thậm chí rất thấp và rất khó để tìm được công việc vì cả hai đã lớn tuổi.
|
“Lúc chưa tìm được việc hai vợ chồng cắt giảm hết mọi khoản, có bữa chỉ ăn cơm với nước mắm, hoặc gói mì hai vợ chồng chia đôi để chừa tiền mua sữa cho con. Tiền bảo hiểm thất nghiệp thì để làm tiền tiết kiệm. Có nghèo mấy, khổ mấy cũng không được đụng đến, chứ lấy ra tiêu xài rồi chẳng lẽ cả đời đi ở trọ như vậy nên quyết tâm không đụng”, chị Luân chia sẻ.
Căn nhà trọ của anh chị cũng là căn trọ được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp và thông thoáng nhất trong số những dãy trọ công nhân mà người viết từng ghé đến. Theo lời anh Cảnh, mọi đồ đạc trong nhà đều là được những nhà cao tầng xung quanh không xài nữa rồi cho, còn chiếc tủ đựng đồ còn mới trong phòng cũng là của đồng nghiệp mất việc chuyển về quê sống mang sang cho anh chị.
|
Anh cười nói: “Hai vợ chồng không dám tiêu xài cái gì hết, ở quê khổ mấy không có tiền mình cũng còn chịu được, huống gì ở đây dù khó khăn vậy nhưng còn có thể làm này làm kia xoay xở thì sao phải bỏ cuộc. Có ước mơ kiếm vốn về quê làm ăn trong 10 năm tạm thời bị dang dở đôi chút”.
Chạy xe ôm, làm sưng tay để trụ Sài Gòn
20 giờ tối hằng ngày, đón vợ đi làm về, ăn vội chén cơm, anh Cảnh khoác lên mình chiếc áo đồng phục bắt đầu đi chạy xe ôm công nghệ. Thông thường, anh sẽ chạy đến 3 – 4 giờ sáng hôm sau và kiếm được 200 - 300 ngàn đồng sau khi trừ các chi phí.
|
Cũng là đoạn đường quen thuộc từ nhà trọ ra công ty, nhưng cánh cổng quen thuộc kia nay đóng im ỉm, đèn tắt tối đen, chỉ có vài đứa nhỏ đang nô đùa phía trước khoảng sân trống. Anh đậu xe sát lề đường chờ app nổ cuốc, thỉnh thoảng nhìn vào cổng công ty nơi anh từng gắn bó gần 20 năm trời, ánh mắt chất đầy vẻ suy tư, hoài niệm.
Anh tâm sự, có những ngày đứng một tiếng, tiếng rưỡi mới có cuốc xe nổ nên anh thường phải chạy khuya một chút để có tiền đóng trọ và mua sữa cho con. “Đi đêm được giá cuốc cao hơn chút nhưng bù lại cũng nguy hiểm, nhiều khi cuốc đi xa quá về Tân Uyên hay Bình Phước tôi phải hủy chứ không dám chạy, mà hôm nào ế quá thì cũng liều luôn, con người chắc có số cả, giày dép còn có số mà, tôi cứ tự động viên mình như vậy. Vì cuộc sống mình phải bám trụ Sài Gòn chứ quê giờ người ta cũng đi thành thị hết trơn, đâu ai ở nhà đâu”, anh nói.
|
Mỗi tháng, vợ chồng anh bắt buộc phải chi 2,5 triệu tiền nhà trọ, tiền gửi con 1,5 triệu và tiền sữa cho con gần 2 triệu, tổng khoảng 5,5 triệu đồng – ngót nghét bằng số tiền anh kiếm được từ việc chạy xe ôm công nghệ.
Chị Luân cũng kể, sau khi nghỉ công ty khoảng 2 tháng, vợ chồng anh chị mới tìm được công việc mới. Chị được hàng xóm giới thiệu vào làm cho một công ty gà, chuyên đứng ngắt lòng gà khiến tay cụt lủn móng, sưng vù, nhiều hôm còn mưng mủ đau nhức đến không ngủ được.
Chị lắc đầu nói về công việc: “Làm việc này là đứng suốt từ 13 giờ 30 đến 19 giờ được trả 230 ngàn, làm ngày nào lãnh tiền ngày đó. Nhiều hôm làm xong là hai cái chân muốn rời ra luôn, làm xong đi hết nổi. Về tới nhà, người toàn mùi phân gà hôi lắm, đêm tay tê phải dậy thoa dầu bóp tay, rồi hôm sau cũng đi làm tiếp. Giờ nghĩ lại mới thấy đi làm công nhân như trước kia, bị mắng bị chửi mà công việc không mệt như bây giờ”.
|
Trả lời câu hỏi của PV rằng công việc cực khổ như vậy nhưng động lực nào khiến anh chị vẫn cố gắng làm ngày qua ngày, chị Luân đáp: “Chồng tôi dân tộc Khmer, tôi dân tộc Thái, nhà hai bên đều nghèo, chúng tôi quen với cái nghèo rồi. Giờ thất nghiệp thì cố gắng làm việc gì tạm qua ngày là vì con, lo cho tương lai con, rồi sau này con lớn có khổ cũng nhìn ba mẹ nó từng cố gắng thế nào mà cố, mình phải làm gương cho con”.
Vì thất nghiệp, ước mơ kiếm tiền về quê làm ăn tạm gác lại vài năm để tích cóp thêm vốn, nhưng sự nỗ lực, cần cù của vợ chồng anh Cảnh để tạm bám trụ lại đất Sài Gòn khiến cả dãy trọ cảm phục.
Bình luận (0)