Theo Tổng cộng ty Đường sắt Việt Nam (VNR), sàn giao dịch hàng hóa là trang web mở, ngay khi hành khách truy cập, trên trang chủ sẽ thể hiện rõ các thông tin về loại tàu, cung chặng, loại hàng hóa và giá vận chuyển theo toa, theo tấn trong khung thời gian nhất định.
Với sàn giao dịch này, các thông tin về vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa công khai, minh bạch, khách hàng có nhu cầu vận chuyển sẽ dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa hình thức vận chuyển phù hợp nhu cầu.
Để đăng ký vận chuyển, khách hàng truy cập website, nhập các thông tin tìm kiếm như: nơi đi, nơi đến, ga đi, ga đến, loại hình vận chuyển, tên mặt hàng… Sau đó, khách hàng chọn loại tàu phù hợp và nhập các thông tin hàng hóa sau đó chọn "lưu". Hoàn tất bước này, sẽ có nhân viên đường sắt liên hệ với khách hàng và tiến hành vận chuyển hàng hóa.
Khách hàng sau khi gửi hàng hóa có thể theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa, từ đó chủ động được kế hoạch trong giao nhận hàng hóa. Nếu có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử, khách hàng cung cấp đầy đủ các thông tin lấy hóa đơn ngay khi làm thủ tục vận chuyển.
Thông tin với Thanh Niên, đại diện VNR cho biết, sàn giao dịch được kết hợp giữa ngành đường sắt và một doanh nghiệp phần mềm lớn trong nước thiết kế. Đây là một trong những nỗ lực của ngành đường sắt trong việc hiện đại hóa đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Tương tự như việc bán vé tàu hỏa online giúp khách hàng thuận tiện hơn rất nhiều so với việc mua vé truyền thống trước đây, việc mở sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến được kỳ vọng sẽ tăng mức độ tiện lợi và rút ngắn thời gian, thủ tục so với việc vận chuyển hàng hóa truyền thống.
Với giá cước được niêm yết rõ ràng, khách hàng có thể lựa chọn số toa, số lượng hàng cần chở. Sau khi đăng ký trực tuyến, nhân viên kho vận đường sắt sẽ liên hệ và tiến hành các bước tiếp theo.
Cũng theo đại diện VNR, với các khách hàng lớn lâu đời đường sắt đã ký hợp đồng vận chuyển trọn gói theo năm. Song, sàn giao dịch này sẽ giúp tiếp cận với các khách hàng mới hoặc khách hàng nhỏ lẻ có nhu cầu gửi hàng hóa theo tàu, nhưng chưa biết quy trình và thủ tục.
Tuy nhiên, do mới đang ở giai đoạn thử nghiệm nên trong quá trình vận hành, các vấn đề phát sinh sẽ được xem xét và khắc phục dần, đảm bảo tính ổn định của sàn giao dịch trực tuyến.
Để đạt được kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, VNR đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, toàn tổng công ty hợp cộng đạt sản lượng 4.725,4 tỉ đồng; doanh thu 4.701,5 tỉ đồng; lợi nhuận 53,5 tỉ đồng.
Về vận tải hàng hóa, ngành đường sắt tổ chức khai thác các luồng hàng mới nhằm gia tăng giá trị dịch vụ; thực hiện các giải pháp nâng cao sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Nửa đầu năm, ngành đường sắt đã cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại Cao Xá. Đồng thời, khai thác thêm các sản phẩm vận tải liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, quá cảnh qua Trung Quốc đi đến nước thứ 3 như Nga, châu Âu, Mông Cổ và các nước Trung Á.
Bình luận (0)