Sau vụ giá thấp, gạo Việt trở lại thắng thầu số lượng lớn với giá tốt từ Indonesia

Chí Nhân
Chí Nhân
04/08/2024 10:42 GMT+7

Doanh nghiệp Việt Nam giành được 7/12 gói thầu gạo tháng 7 từ thị trường lớn thứ 2 thế giới - Indonesia. Giá gạo trúng thầu lần này cao hơn giá trên thị trường.

Theo chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7 với số lượng 320.000 tấn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu. Tổng số lượng gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu là 185.000 tấn. Trong số này Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) trúng thầu nhiều nhất với 4 lô với số lượng 104.000 tấn. Có 3 đơn vị khác trúng mỗi đơn vị 1 lô thầu 27.000 tấn gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD 2), Công ty cổ phần quốc tế Gia, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Vi. Đây là những đơn vị sử dụng gạo có nguồn gốc Việt Nam.

Sau vụ giá thấp, gạo Việt trở lại thắng thầu số lượng lớn với giá tốt từ Indonesia  - Ảnh 1.

Việt Nam tiếp tục trúng thầu gạo số lượng lớn vào thị trường Indonesia

CÔNG HÂN

Ngoài ra Công ty Mekong Food của Việt Nam cũng trúng thầu 27.000 tấn nhưng sử dụng nguồn gạo từ Myanmar. Bên cạnh đó, 3 lô gạo còn lại chiến thắng cũng thuộc về doanh nghiệp từ Myanmar. Có 1 lô không thành công sẽ phải mở thầu lại.

Các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể như VINAFOOD 1 chào giá gạo từ 567,5 - 577,5 USD/tấn, VINAFOOD 2 chào từ 579,5 - 598 USD/tấn. Các doanh nghiệp Thái Lan và Pakistan cũng tham gia thầu nhưng đều không trúng do giá chào khá cao từ 584 - 592 USD/tấn.

Giá trúng thầu lần này giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar đồng mức là 563 USD/tấn, cao hơn giá gạo 5% tấm mà Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố hiện nay là 559 USD/tấn trong và tương đương với giá trúng thầu hồi tháng 5. Chỉ có điều, giá gạo thời điểm đó lên tới 587 USD/tấn, nghĩa là giá trúng thầu thấp hơn 28 USD.

Cũng vì các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu với giá rất thấp so với mặt bằng chung của các nước tham gia và so với giá thị trường nói chung. Do đó, trước cuộc mở thầu lần này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng ra thông báo đề nghị các doanh nghiệp tham gia đấu thầu quốc tế của Bulog thực hiện nghiêm Nghị định 107 để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và giữ vị thế của gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia.

Indonesia mới đây cho biết có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024. Bởi ông Sarwo Edhy, Thư ký Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia, cho biết: Sản lượng gạo mà quốc gia này sản xuất từ đầu năm đến tháng 8.2024 thấp hơn 9,52% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 6 vừa qua, giá gạo nội địa đã tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết nắng nóng.

Ngoài Indonesia thì mới đây thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên tới 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của hạt gạo Việt Nam.

Nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.