Save the Mekong kêu gọi Lào hủy dự án đập thủy điện, tham khảo phát triển điện mặt trời như Việt Nam

Khánh An
Khánh An
02/06/2020 11:46 GMT+7

Liên minh Cứu sông Mekong (Save the Mekong) kêu gọi hủy dự án đập thủy điện Sanakham tại Lào và tất cả các dự án đập thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Kông.

Trong thông cáo gửi đến Thanh Niên ngày 2.6, Save the Mekong (SM) nhấn mạnh rằng đập thủy điện Sanakham tại Lào có chi phí đắt đỏ, không cần thiết và nhiều rủi ro nên cần được hủy bỏ.
Dự án đập thủy điện có tổng công suất 684 MW với chi phí hơn 2 tỉ USD và mất 8 năm xây dựng. Theo SM, trong 8 năm này, Lào nên phát triển nhiều nguồn năng lượng bền vững vì sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều.
“Chẳng hạn như từ tháng 4-7.2019, láng giềng Việt Nam thêm được 4.400 MW từ điện mặt trời, con số gấp hơn 6 lần so với công suất thiết kế của đập Sanakham”, thông cáo phân tích.

Một nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam

Ảnh: GEG

Trước đó vào ngày 11.5, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho hay chính phủ Lào đang tiến hành quá trình tham vấn trước cho đập thủy điện Sanakham, dự án đề xuất thứ 6 trong kế hoạch xây 11 con đập trên dòng chính sông Mê Kông tại nước này.
Dự án dự kiến khởi công ngay trong năm nay và đi vào vận hành năm 2028, chủ yếu bán điện sang Thái Lan, với con đập dài 350 m, cao 58 m gồm 12 tổ máy tại huyện Sanakham thuộc tỉnh Vientiane.

Nguy cơ thành tài sản mất giá

Theo SM, trong bối cảnh công nghệ và đầu tư trong lĩnh vực tăng chóng mặt, đập Sanakham có nguy cơ trở thành tài sản bị mất giá - loại tài sản không đem lại lợi ích kinh tế do nhiều yếu tố tác động.
Các nguy cơ từ biến đổi khí hậu và những đập thủy điện trên thượng nguồn có thể khiến dòng chảy và mực nước khó lường cũng sẽ tác động đến sản lượng điện một khi Sanakham vận hành.

Thiết kế đập Sanakham tại Lào

Ảnh: MRC

Bên cạnh đó, phần lớn điện sẽ được xuất sang Thái Lan, trong khi nước này đang thừa điện do tác động của Covid-19.
“Đại dịch Covid-19 còn cho thấy tầm quan trọng của đất canh tác, rừng, sông, vùng ngập nước và thủy sản của sông Mê Kông là một hệ thống an toàn trong khủng hoảng. Người dân được tiếp cận với sông và tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng để đảm bảo khả năng hồi phục tốt hơn từ đại dịch”, theo SM.

Cần hủy tất cả đập trên dòng chính

Trước các yếu tố trên, SM kêu gọi hủy dự án đập Sanakham và toàn bộ các dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Liên minh này kêu gọi các nước trong khu vực và MRC cần đánh giá các quan ngại liên quan đến tác động của các đập đang vận hành.

Biểu tình tại tỉnh Loei (Thái Lan) phản đối đập thủy điện tại Thái Lan

Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, cần đánh giá một cách toàn diện và có nhiều bên tham gia về các lựa chọn năng lượng, trong đó ưu tiên về chuyển đổi năng lượng để duy trì hệ sinh thái trọng yếu của sông Mê Kông, đảm bảo nhu cầu của các cộng đồng trong khu vực.
SM còn kêu gọi các nước và MRC nên xem xét các quan ngại đối với quá trình tham vấn trước và không nên tiến hành quá trình này.
“Đã đến lúc hủy hoàn toàn các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông và ưu tiên các lựa chọn năng lượng bền vững và hợp lý cũng như theo các hướng đảm bảo quyền lợi của cộng đồng”, SM kêu gọi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.