Nếu đề xuất giảm thuế cho ô tô điện được chấp nhận, hãng xe điện Việt sẽ có lợi thế rất lớn trong cuộc cạnh tranh với các "ông lớn" sắp đổ bộ thị trường Việt Nam.
|
Như Thanh Niên đã thông tin, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu trước ngày 10.6, Bộ Tài chính phải có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng về đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với xe điện của Vingroup.
Tại cuộc họp để xem xét đề nghị này cách đây nửa tháng, lãnh đạo Chính phủ và đại diện các bộ, ngành nhất trí cần có giải pháp mạnh, quyết liệt để hỗ trợ phát triển sản xuất ô tô điện tại Việt Nam theo Nghị quyết 23/2018 của Bộ Chính trị về chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 và quyết định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến 2025, tầm nhìn 2035.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ TN-MT tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất của Vingroup, sớm báo cáo Chính phủ. Ngoài ra, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chính sách đồng bộ để khuyến khích sản xuất, sử dụng ô tô điện.
Cùng với đó, các bộ cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá và hướng xử lý cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó các văn bản pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và có tiến độ thực hiện.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, VinFast - hãng xe điện thuộc Tập đoàn Vingroup, đã tạo một “cơn sốt” khi chính thức công bố nhận đặt hàng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34 với giá 690 triệu đồng.
Dự kiến, những chiếc xe điện VinFast VF e34 đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng vào tháng 11.2021. Những khách hàng đặt mua xe trước ngày 30.6.2021 sẽ được hưởng mức giá ưu đãi chỉ 590 triệu đồng kèm 1 năm miễn phí thuê bao pin. Đến thời điểm đóng tiền tiếp theo để chuẩn bị nhận xe, nếu khách hàng không muốn tiếp tục mua xe sẽ được VinFast hoàn trả khoản phí đặt cọc mà không phải chịu bất cứ khoản phí phạt nào.
VinFast VF e34 là mẫu ô tô điện được hãng xe Việt định vị phân khúc C, từng được công bố hồi tháng 1.2021 với tên mã VF31. Xe có chiều dài cơ sở 2.611 mm, kích thước các chiều dài x rộng x cao lần lượt 4.300 x 1.793 x 1.613 (mm), khoảng sáng gầm xe 180 mm, trọng lượng không tải 1.490 kg.
Cuộc đua đã xuất phát
Trong khi đó, với tham vọng cạnh tranh cùng VinFast tại Việt Nam, hãng xe Nhật Bản Nissan đang từng bước chuẩn bị đưa ô tô điện vào Việt Nam khi vừa đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mẫu Crossover điện.
Dữ liệu từ Cục sở Hữu trí tuệ Việt Nam cho thấy, cùng với mẫu Almera, Juke mới... Nissan đã đăng ký quyền bảo hộ kiểu dáng công nghiệp một mẫu ô tô điện có kiểu dáng thiết kế theo phong cách Crossover. Mẫu xe này từng được Nissan giới thiệu ra thế giới tế vào tháng 7.2020.
Đây là mẫu ô tô điện thứ hai của Nissan mở bán tại Mỹ từ năm 2020, với kích thước nhỉnh hơn mẫu xe đầu tiên Nissan Leaf. Nhà phân phối chính hãng Nissan tại Việt Nam chưa công bố thông tin chính thức về mẫu Ariya. Tuy nhiên, nếu được hãng xe Nhật mở bán, Nissan Ariya có thể được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với VinFast VF e34, VF e35 của thương hiệu ô tô Việt.
Trên giới thế, ô tô điện gia nhập thị trường thương mại trong nửa đầu thập niên 2010. Vào năm 2010, chỉ có khoảng 17.000 ô tô điện lưu thông trên thế giới. Đến năm 2019, con số đã tăng lên 7,2 triệu chiếc, trong đó Trung Quốc là nước chiếm thị phần lớn nhất trong doanh số bán ra toàn cầu của xe điện (47%) do mục tiêu giảm nhập khẩu năng lượng, làm sạch chất lượng không khí đô thị, xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Lượng xe điện toàn cầu gia tăng đáng kể trong thập niên qua nhờ vào các chính sách hỗ trợ và tiến bộ công nghệ. Đến cuối năm ngoái, đã có khoảng 13 quốc gia và 31 thành phố hoặc khu vực công bố mục tiêu cắt giảm dần lượng phương tiện sử dụng động cơ đốt trong bán ra vào các năm 2030 hoặc 2040.
Hiện trong khu vực ASEAN, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường xe điện cũng vô cùng khẩn trương. Thái Lan đặt mục tiêu sẽ sản xuất 1,051 triệu xe điện vào năm 2025. Đến năm 2035, tổng số phương tiện giao thông điện sẽ tăng lên 18,41 triệu xe, gồm: 8,62 triệu ô tô, xe bán tải; 9,33 triệu xe máy và 458.000 xe buýt và xe tải điện.
Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban Xe thế hệ mới quốc gia cùng các thành viên cũng thông qua việc thành lập 4 tiểu ban, sẽ phối hợp với nhau để nghiên cứu các vấn đề như cơ sở hạ tầng cho xe điện, đặc quyền và thuế, đồng thời phát triển một hệ sinh thái phù hợp cho việc sản xuất ô tô điện.
Ở Indonesia, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu sẽ tăng 20% sản lượng xe, bao gồm xe điện và xe hybrid vào năm 2025. Con số này bao gồm 20% trong số 1 triệu xe xuất khẩu được nhắm tới, đồng thời sẽ dần tăng lên hơn 25% vào năm 2030.
Quay trở lại với Vinfast, không chỉ tham vọng trong nước, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, cho biết xe điện VinFast sẽ ra mắt tại thị trường Mỹ và châu Âu vào năm 2022. Tập đoàn đang đặt cược lớn vào thị trường Mỹ với dòng ô tô VinFast và hy vọng những chiếc SUV chạy điện và mô hình cho thuê pin sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng trước các nhà sản xuất nội địa lớn như Tesla và General Motors (GM).
Giám đốc điều hành (CEO) của VinFast tại Mỹ, bà Nguyễn Thị Vân Anh, cũng cho biết thêm: "Xe điện VinFast sẽ ra mắt tại Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2022. Chúng tôi sẽ đến Mỹ, Canada và châu Âu cùng lúc. Tại châu Âu, chúng tôi sẽ có mặt tại thị trường Đức, Pháp và Hà Lan”.
Để có được một thương hiệu xe ô tô điện Việt vang danh toàn cầu, rõ ràng các doanh nghiệp đang rất cần có có sự hỗ trợ, ưu đãi chính sách cần thiết và kịp thời.
Bình luận (0)