Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Y tế), cho biết cơ quan này đang rà soát lại lần cuối trước khi chính thức ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, quy định về tiêu chuẩn và KCB theo yêu cầu trong bệnh viện (BV) công.
Theo ông Liên, Bộ sẽ có hướng dẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ phù hợp với giá dịch vụ, tránh trường hợp dịch vụ chưa tương xứng với chất lượng cung cấp. Theo đó, sẽ quy định về tiêu chuẩn diện tích buồng bệnh, số giường, cơ sở vật chất.
Theo dự thảo thông tư, dự kiến, với phòng điều trị theo yêu cầu (dịch vụ) không được quá 4 giường bệnh/phòng; bác sĩ khám theo yêu cầu cũng phải hạn chế số lượng BN được khám/buổi (dự kiến, mỗi bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ).
Nguyên tắc chung, các cơ sở phải công khai danh mục dịch vụ do cơ sở y tế công lập cung cấp, khả năng đáp ứng và mức giá của từng loại dịch vụ để người dân, người bệnh biết, lựa chọn sử dụng dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và đơn vị, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và đáp ứng các điều kiện để thực hiện dịch vụ theo quy định, đồng thời bảo đảm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cơ quan có thẩm quyền giao cho đơn vị.
Trường hợp sử dụng tài sản công để thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Các đơn vị phải hạch toán và theo dõi riêng doanh thu, chi phí và phản ánh đầy đủ trên sổ kế toán, báo cáo tài chính của đơn vị; thực hiện tính, trích khấu hao tài sản vào chi phí của dịch vụ theo chế độ khấu hao áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước theo quy định của pháp luật.
Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi sử dụng các dịch vụ KCB theo yêu cầu được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí theo quy định. Phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả cho cơ sở KCB.
Đối với dịch vụ ngày giường điều trị: Cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá giường điều trị khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất; Giá tối đa giường nội trú trong trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ: là 4 triệu đồng/ngày (với BV hạng đặc biệt). Thấp nhất 600.000 đồng/giường/phòng 4 giường. Nhưng lưu ý cần đảm bảo diện tích theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN:2012.
Giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú. Giá ngày giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế). Nếu bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện thì giá dịch vụ sẽ do đơn vị quyết định.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, cho rằng dịch vụ ở BV công đặt ra là phục vụ một phần người bệnh có yêu cầu; còn phần lớn là phục vụ cho BN BHYT, tránh tạo khoảng cách, khác biệt quá lớn trong chăm sóc và điều trị. Dù BV có tự chủ hoàn toàn thì vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội và theo mức thu nhập trung bình của người dân.
Đà Nẵng đang đợi thông tư hướng dẫn từ Bộ Y tế
Về việc rà soát công tác KCB dịch vụ theo yêu cầu ở các BV trên địa bàn TP.Đà Nẵng, trả lời PV Thanh Niên chiều qua 11.8, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết: “Theo định kỳ Đà Nẵng vẫn kiểm tra, giám sát công tác KCB dịch vụ thường xuyên. Hiện tại, Đà Nẵng vẫn đang đợi thông tư của Bộ Y tế về KCB yêu cầu, nhưng chưa có”.
An Dy
|
Bình luận (0)