Sẽ 'đại phẫu' hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh

Chí Hiếu
Chí Hiếu
17/10/2018 05:37 GMT+7

Đó là vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và các chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp thống nhất cao sau phiên “đối chất” giữa lãnh đạo các bộ ngành với đại diện giới doanh nghiệp về cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Buổi làm việc do Tổ công tác của Thủ tướng tổ chức hôm qua (16.10) tại Văn phòng Chính phủ.
Tâm lý nghi ngờ lớn
Làm sao phải lượng hóa xem cắt vậy thì DN tiết kiệm được bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian. Nó phải tương tự như việc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ra được báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ mà DN phải trả
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Mở đầu buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã có sơ kết về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành thời gian qua.
Theo đó, có 6 việc “đã làm được” gồm: các bộ ngành đã đẩy mạnh quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm trước đây sang hậu kiểm; giảm cơ bản danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chồng chéo; đẩy mạnh công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức kiểm định quốc tế, độc lập; tích cực điện tử hóa kiểm tra chuyên ngành; số tờ khai hàng nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đã giảm mạnh, từ 30% vào 2015 thì đến năm 2017 còn 19%...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan chưa áp dụng quản lý rủi ro, công nhận lẫn nhau, đánh giá sự tuân thủ của doanh nghiệp (DN); chưa có thông tin kết nối giữa các cơ quan kiểm tra cũng như tỷ lệ phát hiện thấp khi 3 năm qua con số này vẫn nằm ở mức 0,06%; số lượng hàng hóa phải kiểm tra còn chiếm tỷ lệ lớn, trên 19,4%...
Bộ trưởng cũng cho biết: Các cải cách vừa qua bước đầu được cộng đồng DN đánh giá là có chuyển biến, thiết thực. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng xếp hạng môi trường cạnh tranh của VN tăng đáng kể. Nhưng để nói rằng việc cắt giảm đạt kỳ vọng chưa thì chưa, chúng ta phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.
Đại diện cơ quan được giao theo dõi, tổng hợp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Hiếu nhận xét, báo cáo cho thấy hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50%. Tuy nhiên, nội dung và hiệu quả cắt giảm là vấn đề cần tiếp tục thảo luận. “Vẫn còn những điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý. Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tồn tại khá phổ biến. Các điều kiện kinh doanh được ẩn dưới quy định chưa được cắt bỏ. Cá biệt một số nội dung thay đổi thực hiện mang tính hình thức hơn là mục tiêu vì cải cách, vì DN”, ông Hiếu nói.
Tương tự, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng xã hội đang rất kỳ vọng vào cuộc cải cách trong cắt giảm thủ tục lần này nhưng vẫn có một tâm lý nghi ngờ lớn với câu hỏi là “liệu có phải làm thật không?”. “Tôi cũng nghe đâu đó có dư luận nói rằng chỉ là chạy bệnh thành tích. Cứ tuyên bố thế nhưng chưa thay đổi được. Đó là lo lắng hợp lý và chúng ta phải chứng minh được mình làm thật”, ông Cung bày tỏ.
“Đo” hiệu quả cụ thể
Ông Cung tiết lộ, sau khi nghị định cuối cùng về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2018 sẽ được ban hành (trước 31.10), cơ quan này sẽ có một báo cáo nghiên cứu đánh giá kỹ về quá trình cải cách và kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng cũng cần có bản báo cáo tương tự để đo đếm hiệu quả thực mà việc cắt giảm mang lại cũng như làm cơ sở cho đợt cải cách tiếp theo. Lý do, theo ông Cung, trong đợt cải cách này, bên cạnh một số điều kiện được cắt bỏ rất thực chất như trong ngành gạo, khí, y tế thì vẫn có nhiều điều kiện được cắt bỏ, đơn giản, DN không được hưởng lợi. “Chúng ta rất quyết liệt, các bộ đã thực sự quan tâm đến cải cách nhưng kết quả chưa được như mục tiêu, tác động chưa được như kỳ vọng. Cải cách là liên tục và thường xuyên và không dừng lại ở đây”, ông Cung nói.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng nhìn nhận để nói rằng việc cắt giảm thực chất thì vẫn còn quá sớm, bởi chế tài cho những người không cải cách còn nhẹ nên tính hiệu lực rất hạn chế. Việc có một báo cáo phân tích, đánh giá, nhất là xác định xem những hạn chế là điều rất cần thiết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác cùng Bộ KH-ĐT đã có kế hoạch sau ngày 31.10 sẽ ngồi lại để đánh giá một cách thực chất việc cắt giảm. “Làm sao phải lượng hóa xem cắt vậy thì DN tiết kiệm được bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian. Nó phải tương tự như việc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính ra được báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ mà DN phải trả. Tôi nhớ sau khi công bố, thủ tục ngành xây dựng là đắt đỏ nhất thì ngay hôm sau Bộ trưởng Xây dựng đã họp để phân tích với mục tiêu làm sao giảm dược chi phí này xuống”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.