Sáng 5.11, chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nói tại phiên thảo luận về dự án luật Thanh tra cũng như tại phiên chất vấn ngày hôm nay, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc này có thể sẽ tác động đến sự khách quan của kết luận thanh tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chất vấn tại Quốc hội |
gia hân |
"Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?", đại biểu Thủy nêu.
Liên quan tới tính độc lập của thanh tra, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, có ý kiến cho rằng các cơ quan thanh tra còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp như là về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, kinh phí... dẫn đến không đảm bảo được tính độc lập của cơ quan thanh tra cũng như là người đứng đầu của cơ quan thanh tra... và đề nghị cho biết quan điểm của Tổng thanh tra về ý kiến này cũng như giải pháp khắc phục.
Về các nội dung trên, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời, theo quy định hiện nay, đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ các cuộc thanh tra khi có dự thảo kết luận thanh tra thì phải báo cáo Thủ tướng xin ý kiến.
Ông Đoàn Hồng Phong cho hay, tới đây khi sửa đổi luật Thanh tra sẽ sửa đổi quy định này. Cụ thể, việc báo cáo thủ trưởng cơ quan nhà nước phải báo cáo một trong 3 trường hợp, gồm: thanh tra liên quan nội dung quốc phòng an ninh; vụ việc Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; và các cuộc thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.
Tổng thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn sáng 5.11 |
gia hân |
Ngoài ra, dự thảo luật Thanh tra cũng quy định sau khi cơ quan thanh tra báo cáo dự thảo kết luận thì trong 30 ngày thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến. Nếu không có ý kiến thì cơ quan thanh tra ban hành kết luận theo quy định của luật.
Ngoài giải pháp về luật, ông Phong cho hay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục chậm ban hành kết luận thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra.
Trong đó, quy định trách nhiệm cụ thể và có hình thức xử lý với các vi phạm của trưởng, phó đoàn thanh tra cho tới thủ trưởng chủ trì và các thành viên đoàn thanh tra.
"Ví dụ để xảy ra vi phạm liên quan chất lượng, lọt lộ các vụ việc, không chuyển hành vi dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra hoặc chậm ban hành kết luận... sẽ bị xử lý", ông Phong nói.
'Sẽ nghiêm cấm thanh tra nhận quà, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra' |
Ngoài ra, ông Phong cho hay, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ quy định cụ thể hành vi cấm trong hoạt động thanh tra như cấm nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức. Đồng thời, nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra.
Ông Phong dẫn lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng "lực lượng thanh tra quá dễ dãi, ăn uống giao lưu với đối tượng thanh tra", dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng, tính khách quan của thanh tra, và khẳng định sẽ quy định cụ thể để khắc phục.
"Rất mong đại biểu Quốc hội, cử tri giúp cho lực lượng thanh tra giám sát, phản ánh sai phạm của cán bộ thanh tra ở bộ, ngành, địa phương khi tiến hành thanh tra", Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.
Bình luận (0)