Sẽ ra sao nếu Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO?

Văn Khoa
Văn Khoa
16/05/2022 14:10 GMT+7

Việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO được cho có thể sẽ dẫn tới những động thái mang tính đáp trả từ Nga, nhưng cũng sẽ tạo mặt trận mới cho liên minh này gây sức ép lên Moscow.

Trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ngày 15.5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi, tổng thống và ủy ban chính sách đối ngoại của chính phủ, cùng nhau quyết định rằng Phần Lan…sẽ nộp đơn xin trở thành thành viên của NATO”.

Ông Niinisto nhấn mạnh việc gia nhập NATO sẽ “tối đa hóa” an ninh của Phần Lan, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24.2, theo Đài CNBC.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại cuộc họp báo ngày 15.5 để thông báo nước này sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO.

AFP

Ngay sau thông báo trên của Phần Lan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố bà cũng ủng hộ việc nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuyên bố này được đưa ra sau khi đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển của bà từ bỏ sự phản đối mang tính lịch sử của đảng này đối với việc gia nhập NATO. Tuy nhiên, đảng Dân chủ xã hội Thụy Điển đưa ra điều kiện là NATO không triển khai vũ khí hạt nhân và xây căn cứ thường trực ở Thụy Điển, theo hãng tin TASS.

Âm thầm thay đổi chính sách trung lập?

Việc xin gia nhập NATO cho thấy Phần Lan chính thức kết thúc tình trạng trung lập về mặt quân sự của mình trong nhiều thập niên. Phần Lan đã tham gia nhiều cuộc chiến, trong đó có 2 cuộc chiến với Liên Xô từ năm 1939-1940 và 1941-1944, theo AP. Tuy nhiên, sau thời kỳ chiến tranh, Phần Lan theo đuổi các mối quan hệ kinh tế và chính trị với Nga, duy trì tình trạng không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào.

Trong khi đó, Thụy Điển đã tránh gia nhập các liên minh quân sự trong hơn 200 năm, chọn con đường hòa bình sau hàng thế kỷ rơi vào tình trạng chiến tranh với các nước láng giềng, theo AP.

Khí tài Phần Lan và Thụy Điển trong một cuộc tập trận gần đây với các nước NATO

Reuters

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và nhiều thập niên sau đó, không có gì có thể thuyết phục người dân Phần Lan và Thụy Điển rằng họ sẽ tốt hơn nếu gia nhập NATO. Thực tế, hai nước Bắc Âu này kết thúc tình trạng trung lập truyền thống của mình bằng cách gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và thắt chặt hợp tác với NATO.

Tuy nhiên, phần lớn người dân ở Phần Lan và Thụy Điển vẫn phản đối mạnh mẽ việc chính thức trở thành thành viên của NATO, cho đến khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.

Một cuộc khảo sát với 1.382 người ở Phần Lan được tiến hành từ ngày 23-25.2 cho thấy 53% ủng hộ nước này gia nhập NATO, trong khi chỉ có 28% phản đối. “Đó là sự thay đổi đáng kể. Chúng tôi có một tình trạng trong 25-30 năm qua là quan điểm của người Phần Lan về NATO rất ổn định. Tình trạng đó bây giờ dường như đã thay đổi hoàn toàn”, nhà nghiên cứu Matti Pesu từ Viện nghiên cứu quốc tế Phần Lan nhận định.

NATO ra sức san bằng trở ngại cho Phần Lan, Thụy Điển gia nhập

Ở Thụy Điển, một cuộc khảo sát cuối tháng 2 cho thấy 41% số người tham gia ủng hộ gia nhập NATO và 35% phản đối, đánh dấu lần đầu tiên tỷ lệ người ủng hộ vượt tỷ lệ người phản đối, theo AP.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng?

Phần Lan chia sẻ đường biên giới dài tới 1.340 km với Nga. Nếu Phần Lan gia nhập NATO, đường biên giới trên bộ Nga chia sẻ với các lãnh thổ thuộc NATO sẽ tăng lên gấp đôi, theo Đài CNBC. Nga hiện có biên giới trên bộ chung với 5 quốc gia thành viên NATO, gồm Latvia, Estonia, Lithuania, Ba Lan và Na Uy. Thụy Điển không có đường biên giới trên bộ chung với Nga, nhưng hai nước có đường biên giới biển chung.

Với vị trí địa lý gần như trên, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể khiến Nga có động thái nhắm vào hai quốc gia này. Vào ngày 12.5, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là “sự thay đổi triệt để” trong chính sách ngoại giao của nước này. “Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đáp trả, kể cả về mặt quân sự, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia gia tăng”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố, theo CNBC.

Nga nói Phần Lan gia nhập NATO là mối đe dọa an ninh, sẽ sẵn sàng đáp trả

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto ngày 14.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga xem việc chấm dứt tình trạng trung lập về quân sự là một "sai lầm vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan”. “Sự thay đổi trong định hướng chính trị của đất nước có thể có tác động tiêu cực đến quan hệ Nga - Phần Lan, vốn được phát triển trong nhiều năm trên tinh thần láng giềng tốt và hợp tác giữa các đối tác”, theo Điện Kremlin.

Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng có thể định hình lại NATO, sẽ thay đổi cách liên minh này lên kế hoạch cho các cuộc huấn luyện quân sự ở những vùng Bắc Âu, Bắc cực và Baltic, theo trang Vox. NATO cũng sẽ mở rộng biên giới giáp với Nga, tiếp cận một mặt trận mới mà có thể gây sức ép lên Nga, nhưng cũng là mặt trận mà liên minh này có trách nhiệm bảo vệ.

Việc gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển sẽ qua trình tự nào?

NATO vẫn đối mặt một số thách thức mang tính chiến lược thật sự, dù có hay không có thành viên mới, nhưng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập mang tính biểu tượng về mặt chính trị cho liên minh này, theo Vox.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ, Canada và một số nước Tây Âu thành lập vào năm 1949 để cung cấp an ninh tập thể trước Liên Xô, theo Đài CNBC. Kể từ khi thành lập, NATO có mối quan hệ không tốt đẹp với Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh và với Nga sau khi Liên Xô tan rã. Tính đến nay, NATO có 30 quốc gia thành viên.

Vấn đề đáng chú ý nhất của NATO là Điều khoản số 5 của hiệp ước: “một cuộc tấn công chống lại một hay một số thành viên đều bị xem là cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh”.

Điều 5 mới chỉ được viện dẫn một lần duy nhất, nhằm đáp trả lại cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 tại Mỹ. Tuy nhiên, NATO có thể tiến hành các biện pháp phòng thủ chung mà không cần viện dẫn Điều 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.