Hôm qua 17.4, tại gần 300 điểm cầu trên toàn quốc đã diễn ra hội nghị “Đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19” với sự chủ trì của Bộ GD-ĐT.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, các trường không thể dừng lại việc dạy học, nên đào tạo trực tuyến là một giải pháp căn bản để giải quyết khủng khoảng. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu để thực hiện đào tạo trực tuyến không đồng đều trong toàn hệ thống.
Trường ngoài công lập thích ứng nhanh hơn
Bà Thủy cho biết không tính 33 trường khối an ninh - quốc phòng (do các trường này từ đầu mùa dịch đến nay vẫn tổ chức đào tạo tập trung), mới chỉ có nửa số trường triển khai đào tạo trực tuyến ở các mức độ từ đơn giản đến hoàn chỉnh. Nhiều trường hoàn toàn chưa triển khai. Tỷ lệ trường công lập chưa tiếp cận với đào tạo trực tuyến tương đối cao 57%, trong khi tỷ lệ này ở khối trường ngoài công lập là 26%.
Ngay cả trong nhóm trường gọi là có đào tạo trực tuyến thì mới có một ít trường có hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản trị nội dung học tập (LCMS) đầy đủ… Nhiều trường hệ thống chưa hoàn thiện, mới chỉ dừng lại ở quản lý lớp, sinh viên, giảng viên; chủ yếu sử dụng phần mềm hỗ trợ đào tạo trực tuyến…
“Bức tranh chung của đào tạo trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học là tồn tại khoảng cách tương đối xa giữa các trường. Nhưng điểm tích cực là các trường đang chuyển dần từ bị động sang chủ động khi dịch bệnh có dấu hiệu kéo dài hơn”, PGS Thủy nhận xét.
Theo đánh giá của Bộ, khó khăn chung là các trường còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến, học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hóa, chưa kiểm soát tốt về chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Về phía người học, sinh viên còn hạn chế về thiết bị, hạ tầng internet (đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn), thiếu kỹ năng để học trực tuyến (kỹ năng sử công nghệ; phương pháp học...). Đào tạo trực tuyến còn đối mặt với nguy cơ không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin…Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư về công nghệ đào tạo trực tuyến cho giáo dục đại học. Đặc biệt, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện...
Nên có tiêu chuẩn thi, kiểm tra đánh giá trực tuyến
Theo PGS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay các trường ĐH có đầy đủ căn cứ pháp lý để đào tạo, công nhận kết quả đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, Bộ cũng đang sửa đổi quy chế đào tạo chính quy ĐH theo hướng cho phép các trường được triển khai một số tỷ lệ nhất định đào tạo trực tuyến trong toàn bộ chương trình. Quan điểm này được nhiều trường ĐH ủng hộ và đề xuất tỷ lệ cụ thể.
Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Việc có quy định để quản lý đào tạo trực tuyến là cực kỳ cần thiết, là yếu tố cốt lõi để triển khai đồng bộ. Chúng tôi đánh giá rất cao về quan điểm của Bộ là cần có quy chế đào tạo, xác định tỷ lệ phần trăm nhất định trong chương trình đào tạo. Như chúng tôi, từ năm 2017 đã cho phép có đến 20% đào tạo trực tuyến”.
Theo tiến sĩ Lê Viết Thủy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin (thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân), Bộ nên sớm có quy chế, trong đó cho phép tỷ lệ đào tạo trực tuyến là bao nhiêu theo từng môn hoặc cả chương trình, để nhà trường có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, với kỳ thi cuối môn, các trường cũng cần có hướng dẫn để sinh viên thi trực tuyến, nếu như dịch vẫn kéo dài. Nếu phải thi trực tuyến thì phương pháp quan trọng nhất sẽ là phỏng vấn, và như vậy, các đơn vị cung cấp dịch vụ có giải pháp giúp các trường để việc thi đảm bảo.
Đại diện Trường ĐH Mở TP.HCM nói thêm: “Tình hình nếu như thế này thì các trường khó có thể tổ chức thi trực tiếp. Nên có tiêu chuẩn thi, kiểm tra đánh giá trực tuyến, đảm bảo đánh giá công bằng với sinh viên”.
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng Bộ cần xây dựng quy chế quy chuẩn không quá đi vào cụ thể, mà dựa trên đảm bảo chất lượng đứng về phía người học.
Không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng với các quy định hiện tại của Bộ, các trường có thể triển khai đào tạo trực tuyến ứng phó kịp thời, sinh viên không đến trường được nhưng không dừng học, đề nghị các trường nghiên cứu kỹ để áp dụng. Tuy nhiên, theo ông Phúc, Bộ sẽ tiếp tục ban hành những văn bản để hoàn thiện vấn đề đào tạo trực tuyến cho phép đào tạo chính quy; thông tư này đã xong dự thảo và chuẩn bị lấy ý kiến.
|
Bình luận (0)