Sáng 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 48, cho ý kiến về việc thành lập 2 phường thuộc TX.Hồng Ngự và thành lập TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập P.An Bình A trên cơ sở toàn bộ 27,03 km2 diện tích tự nhiên và dân số 14.379 người của xã An Bình A và P.An Bình B trên cơ sở toàn bộ 19,08 km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.352 người của xã An Bình B.
Bên cạnh đó, thành lập TP.Hồng Ngự trên cơ sở toàn bộ 121,84 km2 diện tích tự nhiên và dân số 100.610 người của TX.Hồng Ngự.
Sau khi thành lập 2 phường thuộc TX.Hồng Ngự và thành lập TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và tổng số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng tăng 1 thành phố, giảm 1 thị xã; tăng 2 phường, giảm 2 xã.
Nhấn mạnh tính cần thiết của việc thành lập TP.Hồng Ngự, ông Tân cho hay, TX.Hồng Ngự nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc của tỉnh, có vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật - văn hóa, hành lang kinh tế biên giới của tỉnh Đồng Tháp.
Việc thành lập TP.Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị TX.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, là tâm nguyện của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng thời, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện đang tồn tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện cùng có tên gọi, gồm H.Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và TX.Hồng Ngự (được thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ H.Hồng Ngự). Sau khi nâng cấp TX.Hồng Ngự lên thành phố vẫn lấy tên gọi là TP.Hồng Ngự là trái quy định.
Tại phiên họp thẩm tra, trên cơ sở giải trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, tên gọi Hồng Ngự đã có trong lịch sử hơn 200 năm, gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của địa phương trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, Hồng Ngự là địa danh gắn liền với việc xác định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia tại các văn bản hoạch định đường biên giới quốc gia, trên hệ thống bản đồ thế giới và trong nước, được sử dụng trong nhiều văn bản pháp lý cũng như các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao nhân dân với nước bạn Campuchia... Do đó, nếu thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính này sẽ phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp.
Hơn nữa, nguyện vọng của đông đảo cử tri trên địa bàn thị xã là được giữ nguyên tên gọi Hồng Ngự sau khi được nâng cấp lên thành phố. Mặt khác, tỉnh Đồng Tháp dự kiến sẽ nhập H.Hồng Ngự vào TP.Hồng Ngự trong giai đoạn 2021 - 2030 để đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nên nếu đổi tên gọi của TP.Hồng Ngự thì khi nhập 2 đơn vị này sẽ phải tiến hành đổi tên một lần nữa, gây tốn kém, phiền hà, không cần thiết.
Theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật đã lấy phiếu biểu quyết về nội dung này, kết quả biểu quyết cho thấy, có 40/42 thành viên Ủy ban Pháp luật tham gia biểu quyết tán thành với tên gọi TP.Hồng Ngự như đề nghị của Chính phủ; 2/42 thành viên không gửi phiếu biểu quyết.
Tại phiên họp, 100% ủy viên Thường vụ Quốc hội có mặt đã đồng ý thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 2 phương và TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1.11 tới đây.
Bình luận (0)