Sẽ trình Chính phủ dự thảo chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí

Lê Quân
Lê Quân
30/05/2020 18:49 GMT+7

Tổng cục Môi trường (Bộ TN - MT) cho biết đang xây dựng dự thảo Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ.

Chưa kiểm soát được ô nhiễm không khí

Theo Tổng cục Môi trường, tháng 6.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm không khí trên cả nước vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Tại 2 thành phố này, trong một số ngày đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, sức khỏe người dân.
Tổng cục Môi trường nhận định, một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại các địa phương thời gian qua là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh.
Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt…

Cần nhiều bộ, ngành, địa phương chung tay phối hợp

Để kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, Bộ TN-MT dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp cấp bách trong dự thảo Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí.
Cụ thể, đối với Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương; ưu tiên quan trắc, phân tích, đánh giá xác định nguồn ô nhiễm bụi mịn. Từ đó, có giải pháp kiểm soát, khắc phục cụ thể, hiệu quả; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, cần thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân; khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch; trồng nhiều cây xanh; phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán…

Bộ TN-MT đang xây dựng Chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ

Ảnh Lê Quân

Bộ TN-MT tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, hoàn thành trong năm 2020; chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; tăng cường đầu tư các trạm quan trắc không khí để sớm xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, đưa ra giải pháp xử lý phù hợp…
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông vận tải sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển phương tiện giao thông, xe điện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh.
Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn. Việc xây dựng các công trình giao thông trong đô thị phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khi thực hiện; tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng và ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng; tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng;
Bộ Y tế đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm (người già, trẻ em, học sinh…) trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại.
Bộ Công thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm không khí cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản… 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.