Sẽ vừa xét tuyển vừa thi tuyển với giáo viên hợp đồng có thâm niên

Vũ Hân
Vũ Hân
09/04/2019 13:09 GMT+7

Về phương án xử lý với hơn 2.700 giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng sợ thi trượt viên chức, tiêu biểu là việc 256 giáo viên Sóc Sơn kêu cứu , Chủ tịch Hà Nội cho biết TP sẽ cân nhắc vừa xét tuyển vừa thi tuyển.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về vấn đề Hà Nội tồn đọng đến 2.700 giáo viên hợp đồng lâu năm đang lo sợ mất việc vì phải thi tuyển ngoại ngữ, tin học (như phản ánh của 256 giáo viên Sóc Sơn), Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã có rà soát, và số này chủ yếu rơi vào giáo viên mầm non và tiểu học.  
Nguyên nhân chính là trong tiêu chuẩn và tiêu chí thi tuyển có thi ngoại ngữ, tin học, vốn là thách thức rất khó vượt qua với nhiều người rất ít có cơ hội tiếp xúc với 2 bộ môn này, dù là các giáo viên giỏi nghề.
Rất nhiều giáo viên và chính quyền các quận, huyện đều có kiến nghị được tuyển đặc cách, hoặc được miễn thi vòng 1 (là vòng trắc nghiệm ngoại ngữ và kiến thức chung trên máy) mà chỉ thi vòng 2 là vòng chuyên môn nghiệp vụ, nhưng theo quy định tại Nghị định 161/2018 của Chính phủ, các giáo viên này đều không nằm trong diện đặc cách.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với báo chí sáng nay (9.4) Ảnh Thanh Huyền
“UBND TP đang chỉ đạo tất cả các quận huyện, rà soát lại thực trạng số giáo viên đã đang nằm trong diện hợp đồng sẽ phải thi tuyển trong đợt này. Theo thông tin tôi nắm bắt được đến chiều 8.4, thì các quận, huyện đã báo cáo lên Sở Nội vụ số lượng giáo viên hợp đồng 15 - 20 năm có kinh nghiệm giảng dạy tốt. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn này UBND TP sẽ họp, báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ và Ban chỉ đạo thành phố để đưa ra phương án tối ưu nhất, trên tinh thần tất cả giáo viên đã có kinh nghiệm, đã giảng dạy tốt, rất có thể chúng tôi sẽ đưa ra phương án vừa xét tuyển, vừa thi tuyển để họ đảm bảo cuộc sống và công việc”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Ngoài ra, theo ông Chung, trong đợt thi tuyển lần này, Hà Nội cũng phải đảm bảo “giải quyết được tất cả tồn đọng liên quan đến giáo viên hợp đồng trong gần 20 năm vừa qua” cũng như giải quyết dứt điểm việc thiếu giáo viên mầm non do chính sách đưa tất cả các cơ sở giáo dục mầm non từ tư thục vào công lập.
“Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự ổn định, tâm lý yên tâm cho giáo viên trên toàn thành phố, để họ yên tâm giảng dạy cho học sinh”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Theo thông tin chúng tôi có được, hiện hơn 20 quận, huyện ở Hà Nội để tồn đọng đến hơn 2.700 giáo viên hợp đồng, dù từ năm 2015, TP đã có chủ trương chấm dứt tình trạng này (theo đó, giáo viên đủ tiêu chuẩn như có thâm niên, có năng lực sẽ tuyển đặc cách; số còn lại các quận huyện sẽ không được ký hợp đồng dài hạn).
Vậy phải chăng có tiêu cực, có dấu hiệu cố tình “dìm” không xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng của một số quận, huyện?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Chung cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, Hà Nội đã dừng toàn bộ việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng; “còn những thông tin như phản ánh, thì tới đây, trên cơ sở thống kê của các quận, huyện, của từng trường thì Ban chỉ đạo của chúng tôi sẽ họp và đánh giá cụ thể, đồng thời công khai minh bạch thông tin”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.