Nghi ngờ ngộ độc thực phẩm diễn biến khá phức tạp, đó là nhận định của ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM ngày 18.7.
Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm
Theo ông Lê Minh Hải, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM xảy ra 4 vụ liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm. Trong đó, 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm, 2 vụ đang chờ kết luận.
Cụ thể, vụ thứ nhất xảy ra ngày 15.1 tại Trường tiểu học Nguyễn Hiền (37 Trần Lựu, P.An Phú, TP.Thủ Đức). Học sinh ăn trưa tại trường, đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH MTV thực phẩm Kim Chi (nấu tại trường). UBND TP.Thủ Đức đã có báo cáo kết luận điều tra vụ việc, chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm.
Vụ thứ hai xảy ra sáng 8.3 tại Trường tiểu học Kim Đồng (P.Tân Thuận Tây, Q.7). Học sinh ăn trưa tại trường, đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty TNHH ẩm thực Hạnh Phúc. UBND Q.7 đã có báo cáo kết luận điều tra vụ việc chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm.
Vụ thứ ba xảy ra tại tiệc tất niên lúc 21 giờ ngày 2.2 của 2 gia đình thuộc chung cư Gia Hòa (P.Phước Long B, TP.Thủ Đức). UBND TP.Thủ Đức đang tổng hợp báo cáo kết luận điều tra.
Vụ thứ tư xảy ra ngày 10.4 tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, bữa ăn tự tổ chức (được đặt mua qua mạng) gồm cơm chiên gà và xôi ca dé. UBND Q.Bình Tân đang thực hiện kết luận điều tra vụ việc.
"Địa bàn TP.HCM rộng lớn, dân cư đông, có sự phức tạp trong nguồn cung cấp thực phẩm. Thời gian qua, xảy ra nghi ngờ ngộ độc thực phẩm diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, kết luận nguyên nhân do ngộ độc thực phẩm với tỷ lệ không nhiều", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, để ngăn ngừa và chủ động xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan đầu mối xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm và đang lấy ý kiến sở, ngành để trình UBND TP.HCM ban hành quy chế theo hình thức là văn bản quy phạm pháp luật.
Khi có quy chế sẽ xác định rõ nội dung công việc của từng đơn vị sẽ thực hiện nếu có xảy ra ngộ độc. Cùng với đó là trách nhiệm, sự phối hợp giữa các đơn vị…
Xử phạt gần 2,9 tỉ đồng
6 tháng đầu năm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và sở, ngành, quận, huyện cũng chú trọng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 40.418 cơ sở, phát hiện 1.152 cơ sở vi phạm, xử phạt 407 cơ sở, phạt tiền 350 cơ sở với tổng số tiền 2,9 tỉ đồng. Tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm bao gồm các loại như: bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thực phẩm từ động vật...; ₫ình chỉ hoạt động 3 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 1 cơ sở.
TP.HCM cũng đã rà soát 4.080 sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng, phát hiện 63 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm và xử lý. Kiểm tra, xử lý 28 trường hợp vi phạm trong công tác đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản, phòng chống bệnh gia súc, gia cầm với tổng số tiền xử phạt 136 triệu đồng.
Đặc biệt, ngày 19.1, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP.HCM phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra bắt quả tang, khám xét cơ sở sản xuất của Vũ Thành Công cùng các đồng phạm khác đang thực hiện hành vi sản xuất sữa giả (các nhãn hiệu của Công ty Abbott, gồm: Ensure, Ensure Gold, Glucerna….) tại nhà xưởng ở P.Bình An, TP.Dĩ An (Bình Dương).
Công an tạm giữ số lượng rất lớn tang vật liên quan gồm 7.525 lon sữa bột giả thành phẩm; vỏ lon sữa bột, bao bì, tem nhãn; máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để dập nắp lon sữa... Tổng trị giá ước tính khoảng 14,5 tỉ đồng.
Trước đó, để tránh bị phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả, các nghi can thay đổi địa điểm sản xuất từ TP.HCM đến tỉnh Bình Dương và thủ đoạn bán hàng rất tinh vi (chỉ bán online qua các kênh thương mại điện tử).
Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Chánh thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP.HCM chưa có thẩm quyền xử phạt hành chính
Theo lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay còn nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Chánh Thanh tra Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là chức danh mới, chưa được quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, khó khăn lớn nhất là việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo.
Ngoài ra, khi kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, công chức, viên chức của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính ngay khi phát hiện hành vi vi phạm.
Nguyên nhân, do không được quy định tại Nghị định 38 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định 129 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo).
Bình luận (0)