SEA Games vừa ra đời, Việt Nam 2 lần thắng Thái Lan sớm vô địch bóng đá

21/11/2019 21:54 GMT+7

Năm 1959, Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á chính thức được tổ chức lần đầu tiên tại Bangkok (Thái Lan). Ngay lần đầu được tổ chức, vinh quang đã đến với bóng đá miền Nam Việt Nam khi đội tuyển nam xuất sắc thắng chủ nhà Thái Lan hai trận liền 4-0 ở vòng loại và 3-1 ở trận chung kết để giành ngôi vô địch.

 

Đi đường bộ 1 ngày 2 đêm từ Sài Gòn đến Bangkok

SEAP Games lần đầu tiên tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) cuối năm 1959. Trước khi qua đời vào năm 2011, cựu trung phong Hà Tam (tự Há) của đội bóng đá miền Nam Việt Nam (MN-VN) có lần đã kể cho chúng tôi nghe về chuyến đi dự SEAP Games kỳ 1 năm 1959 của đoàn thể thao MN-VN lúc đó: "Tối 10.12.1959, đội bóng đá cùng với VĐV các môn khác xuất phát từ Sài Gòn đi Thái Lan bằng đường bộ, đến thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) đoàn dừng ăn sáng rồi đi tiếp đến biên giới Thái Lan khoảng 18 giờ 11.12. Sau khi ăn tối, tài xế cho xe chạy suốt đêm để 8 giờ sáng 12.12 có mặt ở Bangkok. Tiện nghi của xe đò lúc đó rất kém nên ai nấy đều mệt nhoài, bụi đường đất đỏ lấm đầy cả người và hành lý".

Ông Hà Tam cho biết  thành phần của đội tuyển MN-VN khi đó rất mạnh với 7 tuyển thủ đã dự vòng chung kết giải bóng đá châu Á 1956 như Phạm Văn Rạng, Nguyễn Văn Cụt, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Hồ (tự Myo), Pierre Trần Văn Nhung, Đỗ Quang Thách và Nguyễn Văn Tư (Tư mũi tên vàng). Ngoài ra đội còn bổ sung 4 cầu thủ có trình độ không hề thua kém là Lê Văn Tỷ, Nguyễn Ngọc Thanh, Đỗ Thới Vinh và trung phong Hà Tam (tức Há).

Đây đều là những cái tên mà bất cứ người hâm mộ bóng đá nào ở độ tuổi 50-80 hiện nay không ai mà không nhớ. Bởi họ đã có một giai đoạn cống hiến huy hoàng cho bóng đá Việt Nam với chiến thuật khi đó là WM, từng quật ngã các đại diện mạnh như Israel, Thụy Điển (khi đó là á quân thế giới năm 1958, thua Brazil của “vua bóng đá” Pelé trong trận chung kết). Ông Hà Tam rất tự hào khi cùng với tập thể này làm nên những chiến công oai hùng.

Lương thủ vạn năng Phạm Văn Rạng và tấm Huy chương vàng SEAP Games 1959

 

Khi đến Bangkok dù không có đủ thời gian hồi phục, nhưng bằng trình độ chuyên môn cao cộng với kinh nghiệm và nhiệt huyết, đội tuyên MN-VN thắng Thái Lan 4-0 và Myanmar 3-0 một cách đầy thuyết phục. Vì đã sớm lọt vào trận chung kết nhờ có 2 chiến thắng cùng hiệu số bàn thắng bại cao (2 đội đứng đầu theo thể thức vòng tròn tính điểm và hệ số phụ giữa 4 đội sẽ tranh chung kết)  nên trận cuối vòng bảng với Malaysia chỉ có tính thủ tục. Đội MN-VN do ảnh hưởng bởi di chuyển đường bộ quá mệt nhọc, chỉ được nghỉ 1 ngày và phải đấu liền 2 ngày liên tiếp nên chủ động dưỡng sức. Kết quả đội MN-VN thua Malaysia 1-2 nhưng cuối cùng vẫn đứng đầu vòng loại, vào chung kết với đội nhì bảng là Thái Lan.

 

Trung phong Hà Tam nói tiếp: "Trong trận chung kết gặp người Thái với sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả, đội tuyển MN-VN không hề nao núng trước sức ép từ tiếng cổ vũ, gào thét của chủ nhà mà vẫn chơi một cách ngoan cường. Đỗ Thới Vinh mở tỷ số ở phút 21 và sau đó 10 phút Sathan gỡ hòa cho Thái Lan. Gần cuối hiệp 1 thì Đỗ Quang Thách giúp đội MN-VN dẫn trước 2-1. Riêng bàn thắng thứ 3 của đội Việt Nam quyết định chiếc huy chương vàng do tôi nhận đường chuyền sắc sảo từ Nguyễn Ngọc Thanh rồi đột phá vào vòng cấm địa để thắng thủ môn Thái Lan. Lúc đó, tỷ số đã là 3-1 cho đội Việt Nam, cũng là lúc rất đông khán giả Thái Lan lặng im hẳn trên khán đài".

Thủ quân Phạm Văn Hiếu (giữa) cầm HCV vàng SEAP Games 1959 vừa được trao, Thái Lan HCB bên phải (ảnh: Tư liệu)

Rộn ràng niềm vui chiến thắng đế mức ôm chặt Cúp trong lòng

Đường đi Sài Gòn – Bangkok nhọc nhằn đến thế còn đường về Bangkok – Sài Gòn thì sao? Ông Hà Tam cười: "Đi thì hai đêm một ngày, còn về thì bớt đi một đêm. Nhưng về thì đường cũ vẫn có nhiều ổ gà, xe vẫn bị xốc như lúc đi, chúng tôi phải chia nhau ôm chặt chiếc cúp vàng mới nhận. Ai nấy chuyền tay nhau xem chiếc Cúp như báu vật và không muốn nó bị lọt ra ngoài khi cả đoạn đường dài di chuyển, chiếc xe cứ xốc lên xốc xuống khiến hàng hóa mà mọi người mua về lăn long lóc trên sàn xe. Đến khi xuống xe, ai nấy đều đi không nổi, vì vừa ôm chặt chiếc Cúp, vừa giữ tất cả những kỷ vật kèm theo dành cho chức vô địch cộng thêm hành lý đè lên chân nên … cặp giò của bất cứ người nào cũng bị tê cứng!"

Một số cầu thủ miền Nam VN vô địch SEAP Games 1959 – Hàng đứng từ trái: Tỷ (thứ 2), Thanh (3), Rạng (5), Hiếu (7), Hồ (8) – Hàng ngồi: Nhung (2), Thách (3), Vinh (4), Tư (8) (ảnh: T.L)

Niềm vui chiến thắng ngay lần đầu dự SEAP Games này đã đi vào ký ức của tất cả các thành viên đội tuyển MN-VN. Hiện đã có nhiều người già yếu, một số thì đã qua đời, nhưng mỗi khi nhắc đến chiến công lừng lẫy đó, ánh mắt của bất cứ ai cũng ánh lên sự rạng rỡ xen lẫn niềm tự hào.  Tôi còn nhớ trong lần trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thanh, ông kể lại “ Khi đó vô địch trở về làm gì có tiền thưởng. Tổng cuộc Túc cầu (ngày nay là Liên đoàn bóng đá-NV) có tổ chức gặp mặt liên hoan và tặng cho mỗi người một chứng nhận, Một vài mạnh thường quân thì có gưi thêm quà tặng. Nói chung là vinh dự khi đó rất lớn. Chúng tôi cảm thấy rất hãnh diện vì đã mang về bầu không khí tươi vui với một chiến thắng giá trị trước chủ nhà”

   Đội bóng đá Việt Nam đoạt vô địch SEAP Games 1 - 1959

17 cầu thủ: Gồm 2 thủ môn: Phạm Văn Rạng và Trần Văn Ðực  - 2 hậu vệ: Lê Văn Tỷ và Nguyễn Văn Cụt - 4 tiếp ứng: Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Văn Hiếu, Lê Văn Hồ (tự Myo) và Lâm Văn Bon - 9 tiền đạo: Trần Văn Nhung (tự Pierre), Ðỗ Thới Vinh, Hà Tam (tự Há), Đỗ Quang Thách, Nguyễn Văn Tư, Trần Bá Tỷ, Lý Văn Rỏn, Nguyễn Văn Còn và Nguyễn Thành Sự.

Thể thức thi đấu: Môn bóng đá có 4 nước dự là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Malaysia thi đấu vòng tròn ở vòng loại, 2 đội cao điểm nhất vào đấu trận chung kết.

Kết quả vòng loại: Malaysia thắng Myanmar 2-1 - VN thắng Thái Lan 4-0;  VN thắng Myanmar 3-0;  Thái Lan thắng Malaysia 3-1; VN thua Malaysia 1-2; Thái Lan thắng Myanmar 5-1 - Xếp hạng vòng loại: 1) Việt Nam - 2) Thái Lan - 3) Malaysia - 4) Myanmar

 + Chung kết tối 17.12.1959 Việt Nam thắng Thái Lan 3-1.

 

Có một chi tiết mà ông Hà Tam vẫn nhắc lại là chiến thắng ở SEAP Games năm 1959 vào đúng ngày 17.12 lẽ ra sẽ có niềm vui nhân đôi sau 50 năm. Nhưng thật tiếc đúng ngày 17.12.2009, đội U.23 Việt Nam tranh chung kết bóng đá nam SEA Games 25 với đội U.23 Malaysia có cơ hội để lên ngôi vô địch thì “cầm vàng lại để vàng rơi”. Ở vòng bảng, đội Việt Nam thi đấu rất thuyết phục thắng Malaysia 3-1, nhưng trong trận chung kết gặp lại chính đối thủ đã thua mình, các cầu thủ trẻ Việt Nam không vững vàng về tâm lý, không có giải pháp khi đối thủ sử dụng lối đá rắn và áp sát nên đã không thể hiện được chính mình, cộng với sai lầm của hàng phòng ngự nên chịu thất bại 0-1 và lỡ hẹn chiếc huy chương vàng tưởng như nắm chắc trong tay.

Đỗ Thới Vinh, tiền vệ tài hoa một thời của bóng đá miền Nam Việt Nam. Ông từng thi đấu cho Hải quan sau 1975

Bây giờ thời cơ mới đang xuất hiện trở lại khi đội U.22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo đang đứng trước vận may lịch sử sau 60 năm. Những chứng nhân ngày ấy chỉ mong rằng 10 năm trước Việt Nam đã để lỡ cơ hội trong ngày trọng đại 50 năm SEA Games thì 10 năm sau khi mà vòng quay vừa đúng 60 năm cuộc đời và cũng là 60 năm SEA Games thì hy vọng lứa cầu thủ vàng hiện nay sẽ làm nên điều kỳ diệu để mang vinh quang đã chờ đợi quá lâu cho bóng đá Việt Nam.

 SEAP Games ra đời như thế nào?

 Trong tháng 10.1958, một số quan chức thể thao các nước Đông Nam Á họp tại Nhật Bản quyết định tổ chức Đại hội thể thao dành cho khu vực lấy tên là Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (tên tiếng Anh làSouth East Asian Peninsular Games, viết tắt là SEAP Games), tổ chức 2 năm một lần vào giữa hai kỳ Olympic Games và Asian Games.

SEAP Games đầu tiên tổ chức năm 1959 tại Thái Lan có mặt VĐV của 6 nước sáng lập là Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Lào. Việt Nam (do miền Nam VN đại diện) tham dự đủ các SEAP Games từ kỳ 1 đến kỳ 7

 

Đến năm 1975, do tình hình chiến sự nên 3 nước Đông Dương đều vắng mặt, SEAP Games 8 tổ chức ở Thái Lan chỉ còn 4 nước dự tranh. Chính vì muốn tăng thêm sức cạnh tranh, Đại hội thể thao của khu vực năm 1977 đã kết nạp thêm 3 thành viên mới nằm ngoài bán đảo Đông Nam Á là Indonesia, Philippines và Brunei.

 

Cũng vì lý do này, chữ "bán đảo" (tên tiếng Anh là Peninsular) trong tên gọi của đại hội phải bỏ chữ  “P” để có tên gọi mới là SEA Games từ Đại hội kỳ 9 tổ chức tại Malaysia năm 1977. Số kỳ 9 của đại hội mang tên SEA Games đầu tiên này được nối tiếp với số kỳ 8 cuối cùng của SEAP Games cũng là mong muốn của những người tổ chức, xem SEAP và SEA Games là một tổ chức thống nhất và hoạt động liên tục từ năm 1959 đến nay. Thực tế, thành tích thống kê về thành tích đồng đội và cá nhẫn lẫn số lần đăng cai tổ chức các nước thành viên đều được giữ từ đầu đến nay.

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.