Từ một địa phương có nguồn lây nhiễm Covid-19 phức tạp, hiện nay vùng xanh đã phủ gần kín địa bàn tỉnh Bến Tre. Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã có cuộc chia sẻ với Thanh Niên xung quanh câu chuyện về chống dịch và tâm sự của một cán bộ được luân chuyển công tác ở một vị trí hoàn toàn mới.
Nghĩa tình Bến Tre là "vốn liếng"
- Phóng viên: Nhận chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre ngày 3.7 đúng lúc địa phương bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, ông có thấy nhiệm vụ được giao là rất nặng nề ?
- Ông Lê Đức Thọ: Trong quá trình làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VietinBank, thông qua Chi nhánh VietinBank tại Bến Tre, tôi đã nắm cơ bản về quy mô kinh tế, xu hướng thị trường và các vấn đề đặc trưng về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nên căn bản cũng nắm được hầu hết những thông tin quan trọng của tỉnh. Về tình cảm cá nhân, về Bến Tre cũng như về chính quê hương mình, vì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ quê tôi) và tỉnh Bến Tre - quê hương Đồng Khởi là hai địa phương kết nghĩa.
Đó là những nền tảng quan trọng bước đầu khi được Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công giữ nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025. Về công tác ở Bến Tre, với tôi đó là niềm vinh dự, tự hào rất lớn và cũng là trách nhiệm nặng nề trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre. Do đó, tôi luôn dặn lòng rằng mình cần phải có sự nỗ lực lớn để cùng với tập thể lãnh đạo tỉnh đưa Bến Tre phát triển nhanh, sánh vai với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
|
Nhận nhiệm vụ trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở các tỉnh phía Nam nói chung và Bến Tre nói riêng rất phức tạp. Với nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy và sau đó là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp, vừa làm vừa đánh giá tình hình, tổng kết thực tiễn để điều chỉnh phù hợp, tôi và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy có lúc khó khăn, trăn trở để có các quyết định phù hợp nhất. Nhưng, thông qua bám sát thực tiễn và nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, từ đó chúng tôi đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động thực hiện và phát huy tốt “bốn tại chỗ” cùng với sự hỗ trợ của T.Ư, các cấp, các ngành, các địa phương vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người dân là trên hết, trước hết.
- Phóng viên: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá kết quả chống dịch của Bến Tre trong nhóm 6 tỉnh kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất trong cả nước. Qua hơn 2 tháng chống dịch với nhiều chuyến khảo sát thực tế mà ông chưa từng trải qua, hình ảnh nào sâu đậm nhất trong ông?
- Ông Lê Đức Thọ: Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống, đẩy lùi dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội với tinh thần “chủ động và đi trước một bước”, đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, từng bước đẩy lùi và chúng tôi đang từng bước thiết lập trạng thái bình thường mới. Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021, phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
Trong các chuyến thị sát thực tế về đời sống người dân, kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tôi đã trực tiếp thăm hỏi rất nhiều bà con và rất mừng là ai nấy đều biết được tính nghiêm trọng của dịch bệnh, đồng tình với các biện pháp mạnh trong phòng dịch Covid-19.
Tôi ấn tượng nhất là hình ảnh một người phụ nữ sống ở ven chân đê biển H.Bình Đại. Gia đình chị ấy có 4 người mà theo báo cáo của địa phương đều thuộc diện hỗ trợ của Nghị quyết 68 về những người khó khăn do dịch Covid-19. Trong khi trao đổi với tôi, chị ấy đã chủ động giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, nói vanh vách về dịch bệnh và bảo rằng tất cả người trong nhà của chị sẵn sàng ra trực chốt hoặc làm gì đó để cùng chính quyền chống dịch, mặc dù chị ấy cũng nói rằng trong nhà mình cũng không còn nhiều thức ăn. Tinh thần của chị khiến cho tôi rất cảm động và điều đó cho thấy truyền thông về dịch bệnh đã có hiệu quả thực sự.
5 giải pháp chống dịch
- Phóng viên: Khái niệm “sống chung với Covid-19” đã được giới khoa học nhiều lần nhắc đến và các phát biểu gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì Bến Tre cũng đã có xã từ vùng đỏ chuyển sang xanh rồi lại chuyển trở lại vùng đỏ. Vậy Bến Tre đã chuẩn bị gì cho xu hướng này ở tương lai?
Ông Lê Đức Thọ: Virus gây dịch bệnh Covid-19 có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ đâu nên Bến Tre đang thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn một cách bền vững việc virus SARS-COV-2 quay trở lại.
Trong đó, chúng tôi xác định phòng dịch là chính, là cơ bản, lâu dài, chống dịch phải quyết liệt, triệt để, dứt điểm, dứt khoát và vừa phải phát triển kinh tế xã hội. Bến Tre đã tổng kết từ thực tiễn và đưa ra chiến lược lâu dài để phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh gồm 5 giải pháp đang được thực hiện đồng bộ. 5 giải pháp là giãn cách xã hội nghiêm túc theo đúng mức độ áp dụng, kết hợp thực hiện tốt “5K”, “5T”; Tổ chức xét nhiệm diện rộng theo vùng nguy cơ; Tiêm vắc xin phòng Covid-19; Quy hoạch, bố trí lại các chốt/trạm kiểm soát dịch khoa học, đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ theo 4 vành đai (trong đó, chốt/trạm được bố trí tại 4 vành đai gồm cấp tỉnh, huyện/thành phố, xã/phường/thị trấn và ấp/khu phố, kết hợp 1 số tổ kiểm soát dịch lưu động để nhắc nhở, vận động, xử lý vi phạm). Giải pháp công nghệ số trong hoạt động phòng, chống dịch, đồng thời, các phần mềm công nghệ được áp dụng cũng đóng vai trò quan trọng trong quản lý xã hội về các vấn đề có liên quan dịch bệnh Covid-19. Trong 5 giải pháp thì giải pháp vắc xin đang có khó khăn nhất định do phụ thuộc vào nguồn vắc xin.
|
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống y tế linh hoạt, phản ứng nhanh trong truy vết dịch tể, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đạt hiệu quả cao.
- Phóng viên: Bến Tre không chỉ có khó khăn về dịch bệnh như hiện nay mà từ lâu là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về xâm nhập mặn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu; khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư. Với kinh nghiệm quản trị một ngân hàng lớn nhất cả nước, ông sẽ vận dụng thế nào để giúp tỉnh và bà con vượt hạn mặn?
- Ông Lê Đức Thọ: Bến Tre là tỉnh có nguồn thu ngân sách khiêm tốn và phải nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách T.Ư cho các khoản chi thường xuyên cũng như đầu tư công, vì vậy tỉnh đã gặp không ít khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do phát sinh chi phí lớn ngoài dự toán. Tuy vậy, thời gian qua, chúng tôi vẫn triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch do chủ động điều chỉnh phù hợp; kết hợp được nhiều nguồn lực; minh bạch và tiết kiệm trong mua sắp trang thiết bị; đặc biệt là nhờ sự đồng thuận của người dân với chính quyền.
|
Thời gian tới, tôi cùng với tỉnh sẽ mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng ở trong và ngoài nước đến Bến Tre tìm hiểu, tiếp cận các cơ hội đầu tư. Nhưng, việc trước tiên mà chúng tôi cần làm là khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh. Đổi mới cơ chế chính sách, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn, hiệu quả bền vững đối với tất cả những doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Bến Tre. Với kinh nghiệm công tác, kiến thức nền tảng về tài chính, kinh doanh và sự nỗ lực của mình, tôi tin rằng sẽ cùng Tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh đã đặt ra.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông
Bình luận (0)