'Ship' cà phê, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm... thời dịch bệnh

21/04/2020 06:28 GMT+7

Khi hình thức kinh doanh truyền thống lao đao, ngưng trệ vì dịch Covid-19 , nhiều doanh nghiệp, chuỗi thương hiệu đã cố gắng xoay xở nhờ đẩy mạnh kênh bán hàng online.

 

Ngồi nhà mua sắm

Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện chuỗi The Coffee House cho hay khi đóng cửa mảng bán hàng trực tiếp ở cửa hàng, cả hệ thống tập trung phát triển mảng bán hàng qua mạng - giao hàng tại nhà. Dù không tiết lộ con số cụ thể về đơn hàng, nhưng chỉ riêng thị trường Hà Nội và TP.HCM, mảng bán hàng này đã tăng trưởng 30% doanh số trong 1 tháng qua.

Theo một thống kê, có đến 34,1% người tiêu dùng chưa hài lòng với dịch vụ chuyển phát hàng của các doanh nghiệp TMĐT. Vì thế, ngoài yếu tố đảm bảo chất lượng, uy tín thì tốc độ giao hàng là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh giữa các sàn TMĐT, cũng như các doanh nghiệp thời gian tới. Để cạnh tranh được với các ông lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba, Lazada, Ebay, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tập trung khai thác vào các thị trường ngách.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội

Một báo cáo về marketing online được Công ty CP công nghệ Haravan công bố mới đây với tiêu đề “Kinh doanh mùa Covid với Google Insight & E-commerce” cho thấy, mặc dù đang giữa những ngày giãn cách xã hội, nhưng một số ngành hàng đang có sự tăng trưởng khá, cá biệt có những ngành hàng/sản phẩm tăng với con số vài trăm phần trăm. Ngoài việc website học trực tuyến tăng 4 - 5 lần, các sản phẩm - thiết bị bếp, máy tập thể dục tại nhà tăng từ 25 - 46%; các sản phẩm giải trí tại nhà tăng 40%, riêng game online tăng trưởng 56%.
Đặc biệt, thống kê cho thấy sản phẩm đồ chơi trẻ em tăng tới 388%, và khủng nhất là sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng tới 200 lần trong tháng 3. Bán hàng online tăng trưởng ấn tượng kéo theo ngành giao hàng nhanh cũng có mức tăng doanh số lên đến 162 lần.
Đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo cũng cho biết, sản lượng giao dịch từ đầu tháng 2 năm nay tăng trưởng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 2, sản lượng giao dịch tăng 98%, lượng người mua hàng mới tiếp tục tăng. “Chắc chắn, qua mùa dịch đã đẩy nhanh thói quen sử dụng TMĐT của người Việt”, đại diện Sendo cho biết.

“Cơ hội vàng” cho thanh toán điện tử

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập ví điện tử Momo, các giao dịch thanh toán qua ví Momo với các dịch vụ như mua đồ ăn mang về, đồ dùng thiết yếu, các siêu thị... tăng vọt tới vài trăm phần trăm về doanh thu so với trước tết. Tuy nhiên, một số ngành hàng do ảnh hưởng của dịch như: xem phim, thanh toán vé máy bay, đặt phòng khách sạn du lịch... thì giao dịch đều ngưng. Dù vậy, giai đoạn khó khăn này lại là “cơ hội vàng” cho thanh toán điện tử.
“Thanh toán online bây giờ lại là cứu cánh cho các doanh nghiệp, nếu muốn tiếp tục bán được cho khách hàng mùa dịch”, ông Diệp nói và cho biết lượng đối tác khách hàng chấp nhận thanh toán qua ví Momo đã tăng mạnh cùng với gia tăng sản lượng.
Nhiều siêu thị trước đây chưa từng nghĩ tới giao hàng tại nhà, nhưng hiện tại, hình thức người dân lên website của siêu thị đặt ứng dụng giao hàng tại nhà và thanh toán qua ví điện tử hay các ứng dụng ngân hàng đã tăng mạnh. Cũng theo người sáng lập ví Momo, dịch Covid-19 có thể xem là cú hích thay đổi hành vi tiêu dùng của nhiều người dân.
Tương tự ví Momo, các ví điện tử và ứng dụng thanh toán điện tử khác như VNPAY-QR, ZaloPay, VNPT Pay... cũng hoạt động khá hiệu quả trong mùa dịch.
Bên cạnh đó, ngoài hình thức thanh toán qua ví điện tử, internet banking... các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone đều đã sẵn sàng gia nhập thị trường mobile money, thanh toán qua điện thoại. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước thông tin cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money), dự kiến trình Chính phủ trong tháng 4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.