Naver cho hay Ban tổ chức MAMA (Mnet Asian Music Awards) năm nay đang đau đầu lựa chọn địa điểm tổ chức. Năm ngoái, lễ trao giải đình đám này diễn ra lần lượt ở ba nơi là Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.
Tuy nhiên, năm nay, Hồng Kông sớm bị loại bỏ bởi tình trạng biểu tình và bạo loạn. Trong khi đó, Nhật Bản cũng không thể tổ chức MAMA do đang có căng thẳng với Hàn Quốc. Mới đây, đại diện CJ E&M, Ban tổ chức MAMA 2019 đã phải lên tiếng: “Chúng tôi đang tìm kiếm những địa điểm khác trong khu vực”.
Hai năm gần đây nhất, MAMA đều được tổ chức tại ba nơi ở châu Á. Năm 2017, Việt Nam cùng Nhật Bản, Hồng Kông được lựa chọn. Còn lần này, ê-kíp đang cân nhắc nhiều phương án khác. Theo người hâm mộ, MAMA nên tổ chức một đêm duy nhất ở Hàn Quốc để thuận lợi cũng như khỏi tốn thời gian, bởi sự kiện chỉ còn chưa đến 4 tháng nữa là diễn ra.
|
Theo thông lệ thì MAMA thường công bố địa điểm vào tháng 8 và chương trình sẽ diễn ra vào tháng 11, 12 mỗi năm. Năm nay, thời gian thông báo có thể bị đẩy lùi xa hơn. Ngoài ra, MAMA còn phải lo nhiều khâu như bảng đề cử, danh sách nghệ sĩ tham gia, MC…
Đặc biệt, khủng hoảng quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể ảnh hưởng đến chuyện nghệ sĩ đất nước mặt trời mọc có được trao giải tại MAMA hay không. Năm trước, Hiragana Keyakizaka46 được vinh danh giải Nghệ sĩ mới châu Á khu vực Nhật Bản xuất sắc nhất, Da Pump nhận giải Nghệ sĩ châu Á khu vực Nhật Bản xuất sắc nhất.
Không những thế, một số giọng ca quốc tịch Nhật Bản tại Kpop cũng lao đao bởi vấn đề ngoại giao Hàn - Nhật. Hôm 7.8, người đẹp Takahashi Juri (nhóm Rocket Punch) nhận được câu hỏi nhạy cảm về chính trị ngay trong họp báo đầu tiên của nhóm. Một phóng viên đã thẳng thắn hỏi nữ ca sĩ đến từ đất nước mặt trời mọc cảm thấy thế nào khi ra mắt ở Hàn Quốc trong thời điểm nhạy cảm này.
|
Lúc bấy giờ, MC chương trình nhanh chóng giải vây, yêu cầu mọi người chỉ nên tập trung vào ca khúc và album đầu tay của Rocket Punch. Được biết, Takahashi Juri từng thành công khi là một mẩu của nhóm AKB48 và cũng rất được yêu thích tại Hàn Quốc nhờ show Produce 48. Cô quyết định Hàn tiến và xem đây là thử thách mới cho bản thân.
Trước Takahashi Juri, các mỹ nhân Nhật Bản tại Kpop như Sana, Momo, Mina (Twice) hay Sakura, Hitomi, Nako (IZ*ONE) bị một số thành phần quá khích chửi bới vì quan hệ “căng như dây đàn” giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí, vài cư dân mạng còn đòi các cô gái người Nhật rời khỏi nhóm và “đi về và làm mọi thứ vì Nhật Bản đó”.
|
Nhóm nhạc nam ăn nên làm ra ở đất nước mặt trời mọc là BTS cũng trở thành nạn nhân. Một trang tin Nhật Bản kêu gọi công chúng tẩy chay BTS chỉ vì nhóm sang nước này nhưng lại mặc trang phục hanbok cách tân tại sân bay. Bài báo bị cộng đồng mạng “ném đá” vì quá vô lý.
Đây không phải lần đầu nền giải trí Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ căng thẳng chính trị. Cách đây 2 năm, chuyện Hàn Quốc triển khai hệ thống tên lửa tầm cao THAAD đã khiến Trung Quốc không hài lòng. Kết quả là có 42 nghệ sĩ bị cấm cửa và 53 dự án phim hợp tác Trung - Hàn hoãn chiếu vô thời hạn. “Chiến dịch” được coi là “tẩy chay Hallyu” ở đất nước đông dân nhất hành tinh được thực hiện một cách đồng loạt và trên diện rộng. Tới năm 2019, việc hạn chế này đã được nới lỏng nhưng sao Hàn không còn có thể “tung hoành ngang dọc” ở Trung Quốc như trước.
Đối mặt với những ảnh hưởng từ các thị trường tiềm năng do mâu thuẫn chính trị, Kbiz ngay lập tức chọn hướng đi khác. Các ông lớn làng giải trí xứ Hàn chuyển sang những “mỏ vàng” khác điển hình là khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… và mạo hiểm Mỹ tiến. Đáng chú ý, SM Entertainment còn lập riêng một “siêu nhóm nhạc nam” để quảng bá ở Mỹ.
Bình luận (0)