'Siết tín dụng bất động sản, đập chuột không bể bình hay bình đã bể?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
25/05/2022 11:51 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu câu hỏi và cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản phải làm sao cho đúng, tránh tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Siết tín dụng bất động sản sao cho đúng

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ thực tiễn TP.HCM cho thấy chúng ta đã kiểm soát được dịch Covid-19 rất tốt, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ và khá đồng bộ.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu thảo luận tại tổ

gia hân

Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng, vẫn còn những vấn đề tồn tại cần nhận dạng.

Ông Mãi dẫn chứng, khu vực bất động sản vẫn âm 12,6%. Có chuyện là đà phục hồi chậm sau dịch nhưng cũng có tác động mới từ những tháng đầu năm này.

“Khi chúng ta siết tín dụng vào bất động sản, có hay không chuyện chúng ta đập con chuột mà không làm bể bình, hay là đã bể bình rồi?”, ông Mãi nêu và cho rằng, vấn đề là làm sao siết tín dụng vào bất động sản cho đúng, để tránh ảnh hưởng đến các dự án bất động sản cần tiếp tục được triển khai, dòng vốn sẽ vào, công ăn việc làm được tạo ra và chúng ta giúp nhiều gia đình được an cư.

"Việc này tác động rất lớn vào kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề cần phải phân tích", ông Mãi nói thêm.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, vấn đề là cần phải lành mạnh hoá thị trường bất động sản, thị trường tài chính. Các giải pháp phải có cái trước mắt, cái lâu dài và hết sức căn cơ, bài bản, nếu không chúng ta sẽ gặp khó khăn trong thời gian sắp tới.

Một vấn đề khác, ông Mãi cho rằng, các doanh nghiệp tuy có phục hồi nhưng đang chịu sức ép rất lớn về thủ tục hành chính, cung lao động, giá cả gia tăng của các nguồn đầu vào, điều này đã tạo ra những áp lực rất lớn cho doanh nghiệp…

Ông Mãi đề nghị phải tập trung nhận diện, tháo gỡ, đặc biệt là triển khai chương trình phục hồi kinh tế, phải đồng bộ hơn, nhanh hơn để các sự hỗ trợ này thực sự đến được với doanh nghiệp và đi vào cuộc sống.

Ngành y sợ, không dám mua sắm

Một vấn đề khác ông Mãi nêu là việc cơ sở y tế sợ, không dám mua sắm vì xu hướng xã hội nhìn bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng đều tiêu cực.

Ông Mãi cho biết, sau chống dịch, chúng ta ghi nhận, tôn vinh lực lượng y tế như những người hùng. Nhưng những tháng gần đây, khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế thì đang hình thành xu hướng trên truyền thông, mạng xã hội là nhìn bất kỳ cái gì, bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng đều có chủ ý sai phạm.

Ông Mãi đề nghị, cần phải có định hướng để vừa phát hiện, xử lý được những vụ việc vi phạm nhưng phải bảo vệ được uy tín của ngành y tế.

"Bây giờ các cơ sở y tế sợ, không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc men, trang thiết bị, như vậy việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân không bảo đảm. Đây là việc tôi cho rằng rất cấp bách, chúng ta cần trao đổi để có giải pháp tức thì", ông Mãi nhấn mạnh và cho biết, ông vừa phải nói với Sở Y tế, làm sao ngồi bàn tính, phải đề xuất làm sao mua cho được thuốc, mua được hóa chất để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố hàng ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.