Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành do liên danh Pháp - Nhật - Việt Nam (liên danh JFV) nghiên cứu, giai đoạn 1, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành xây dựng một đường cất hạ cánh có chiều dài là 4.000 m và chiều rộng là 45 m, gồm một nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ đồng bộ với công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm, diện tích khoảng 373.000 m2.
Điểm nhấn chính của Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình nhà ga hành khách với tạo hình hoa sen cách điệu, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam làm ý tưởng chính, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế.
Điểm nhấn của nhà ga là khu vực bố trí mái lấy ánh sáng trung tâm và khu cảnh quan thông tầng ở trung tâm nhà ga. Khu vực này sẽ bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống, sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái, như hòa vào thiên nhiên tại khu vực này.
Nhà ga được bố trí theo dạng tập trung, gồm nhà ga trung tâm và 3 cánh, với 2 cao trình đi và đến tách biệt, gồm 4 tầng với chiều cao đỉnh mái khoảng 45 m.
Nhà ga hàng hóa được xây dựng với diện tích khoảng 150.000 m2, có quy mô và công suất đều đạt 550.000 tấn hàng hóa/năm. Ngoài ra, nghiên cứu bố trí một nhà ga chuyển phát nhanh để đáp ứng công suất 100.000 tấn hàng hóa/năm.
Đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào khâu làm thủ tục hành khách, xuất nhập cảnh để hỗ trợ việc nhận dạng, danh tính thông qua dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt, dấu vân tay...). Công nghệ này sẽ giúp thủ tục được nhanh chóng, chính xác; đồng thời nhận diện hành khách trong danh sách cấm bay, đưa ra cảnh báo kịp thời cho lực lượng an ninh.
Sân bay Long Thành sẽ sử dụng thiết bị soi chiếu hành khách tự động thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay. Hành khách có thể kiểm tra thông tin lộ trình hành lý, xem thông tin chuyến bay, sơ đồ nhà ga, thông tin mua sắm, bãi xe thông minh...
Tư vấn đưa ra 2 hình thức đầu tư đầu tư: Thứ nhất, giao một trong các nhà đầu tư - khai thác cảng hiện hữu thực hiện đầu tư - khai thác dự án Long Thành giai đoạn 1. Thứ hai, lựa chọn một nhà đầu tư - khai thác cảng mới thực hiện đầu tư - khai thác dự án Long Thành giai đoạn 1 thông qua các thủ tục đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch.
Tư vấn kiến nghị lựa chọn ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng hiện hữu được giao thực hiện đầu tư - khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
|
Bình luận (0)