Từng cung cấp thực phẩm cho hàng chục trường học, bếp ăn lớn trong nội thành Hà Nội, nhưng gần như cả 6 tháng đầu năm, Công ty thực phẩm Nguyên Phong (Q.Thanh Xuân) hoàn toàn đóng cửa. Đến tháng 7 vừa rồi, khi nguồn lực dự trữ đã cạn, doanh nghiệp quyết định thử nghiệm chuyển mình từ “bán buôn” sang bán lẻ cho từng hộ gia đình.
“Chất lượng đầu vào thực phẩm thì quá không lo vì đã được những trường tư thục, bếp ăn cơ quan nhà nước chấp nhận. Nhưng khó nhất là làm sao giữ được độ tươi khi từ chuyển từ giao ngay với khối lượng lớn sang giao lắt nhắt cả ngày? Đó là câu hỏi đầu tiên mà vợ chồng tôi suy tính trong nhiều đêm liền”, chị Đỗ Thanh Tú, Giám đốc Công ty thực phẩm Nguyên Phong kể.
Sau hơn 2 tuần thử nghiệm gần như miễn phí với các khách hàng thân thiết, người cùng quê… và được phản hồi tốt, từ cuối tháng 7, doanh nghiệp quyết định triển khai bán hàng trên diện rộng ra tất cả các quận nội thành.
“Tất nhiên, giá phải gần như giá chợ chứ tuyệt đối không nhân lúc khó mua mà tăng. Nhất là người mua trong nội thành được miễn tiền giao hàng với đơn từ 200.000 đồng trở lên. Chúng tôi tốn nhiều chi phí này nhưng thiết nghĩ giữa bối cảnh giá vận chuyển phi mã và khó tìm, đây phải là lợi thế để cạnh tranh, cho nên chúng tôi phải bán gần như tất cả những hàng hoá thiết yếu mà một bà nội trợ cần, để họ không phải đi mua chỗ này thứ này, chỗ kia thứ khác và mỗi lần đều mất tiền phí ship, cũng là chúng tôi tối đa chi phí ship”, chị Tú nói.
|
Chị cũng cho biết thêm, lẽ dĩ nhiên là lợi nhuận và doanh thu không thể so với khi bán sỉ, song từ chỗ tạm ngừng hoạt động đến chỗ 2 tháng nay, hơn 20 lao động sẵn sàng làm từ 5 giờ 30 sáng đến 9 giờ tối mới hết việc thì đó dấu hiệu tích cực hơn kỳ vọng, với số đơn hàng hôm sau luôn cao hơn hôm trước.
Chị Hoàng Thanh Quyên, một khách hàng ở chung cư Nam Đô, cho hay điều khiến chị thấy tiện nhất là đầy đủ các loại thực phẩm từ tươi sống, lẫn đồ khô như măng miến, cho tới hoa quả, đến các loại gia vị hành tỏi… đều được phân loại và bảo quản riêng. “Cho nên, thay vì phải mua ở nhiều nơi, tốn tiền ship và nguy cơ tiếp xúc với nhiều người, hay phải xuống siêu thị xếp hàng tính tiền thì một tháng nay, cứ cách 2 - 3 ngày chị lại tìm đến công ty này.
Siêu thị bán đồ chín vì không cạnh tranh nổi “hàng viện trợ”
Tương tự, dù là hộ kinh doanh hàng thiết yếu khi làm chủ một siêu thị tại một trong những tổ hợp chung cư đông dân Hà Nội là bán đảo Linh Đàm (Q.Hoàng Mai), nhưng từ nhiều tháng nay, chị Phan Thị Thảo đều lắc đầu khi tôi hỏi “mùa dịch thì siêu thị chắc ăn nên làm ra?". Chị Thảo cho biết, siêu thị Gia Đình của chị đã phải chuyển đổi rất nhiều trong năm nay, không chỉ từ phương thức giao hàng tận nơi, đi chợ dùm bà nội trợ mà thậm chí kiêm luôn cả “bếp ăn di động”.
Theo chị Thảo, hiện nay rất nhiều người bán rau, thực phẩm vùng miền trên các diễn đàn toà nhà, kiểu “rau mẹ trồng”, “cam vườn quê” nên kêu gọi dân trong toà hỗ trợ “giải cứu”. Cùng với đó, ngày càng nhiều người “nhận viện trợ” hàng chuyển ở quê ra từ gạo, rau, cá… khiến lượng khách đi siêu thị cũng giảm hẳn. Vì thế, các nhân viên của chị được khuyến khích luôn nghĩ thêm các món mới theo ngày, chế biến sẵn hoặc thậm chí nấu chín, giao tận nhà miễn là có khách đặt".
|
Thời gian đầu, siêu thị kiêm thêm như cửa hàng ăn khi sáng thì chúng tôi bán cháo, bánh mì trứng. Nhưng những ngày gần đây do giãn cách nên người dân có xu hướng tự nấu đồ ăn sáng. Tuy nhiên do việc đi chợ khó khăn hơn với quy định mới nên những món khoái khẩu chế biến sẵn như tiết canh, lòng lợn, ốc om chuối… lại khá đắt hàng, và hầu như khách khách nào đặt muộn thì không còn hàng”, chị Thảo nói.
Cũng vì thế, từ chỗ có 6 - 7 người làm thì nhân sự giờ chỉ còn 60 - 70%, trong đó để giữ chân “một đầu bếp cứng”, dù không có hợp đồng lao động bằng văn bản, nhưng chị vừa quyết định níu chân nhân viên này bằng một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn.
Tìm cách xoay chuyển tình thế sau một thời gian dài “cầm cự trong tình cảnh dặt dẹo”, nhưng mọi thứ cũng chưa sáng lên là bao đối với ông Tuân, một doanh nghiệp vận tải hành khách ở Thanh Hoá. Ông Tuân kể, 2 năm qua, doanh nghiệp vận tải bước vào một cuộc đua giành khách khốc liệt, bằng cấp nâng cấp dịch vụ, vay thêm tiền đầu tư xe thật sang, từ giường năm VIP cho tới limousine… “
Nhưng cũng không thể gắng chạy chở khách được nữa khi bước sang năm 2021, khi nhu cầu đi lại giảm tối đa bởi tâm lý sợ dịch cũng như các địa phương thắt chặt quy định phòng dịch, để có tiền trả nợ ngân hàng, lúc đầu ông tính chạy hợp đồng, chạy nội tỉnh, thậm chí nhận chở hàng lặt vặt. “Cho tới tháng 4, chúng tôi buộc phải bấm bụng bán cắt lỗ một chiếc xe giường nằm để mua 2 chiếc xe tải nhỏ. Giờ chở hàng hải sản Sầm Sơn đi Hà Nội cũng cắc bụp tuần đôi ba chuyến, cũng có đồng vào ra để trả lãi, ông Tuân nói.
|
Bình luận (0)