'Taylor Swift đang biến Singapore thành một núi tiền'
Đó là nhận định của Business Insider khi nhắc đến tác động khổng lồ của Taylor Swift đối với nền kinh tế, du lịch của Singapore sau 6 đêm diễn thuộc The Eras Tour. Trang này cho biết bất cứ nơi nào chuyến lưu diễn của giọng ca Blank Space đi qua, chi tiêu liên quan đến du lịch (vé máy bay, chỗ ở, thực phẩm, các loại hình bán lẻ…) đều tăng theo sau, đây được gọi là hiệu ứng "Swiftonomics".
Singapore nói thỏa thuận độc quyền với Taylor Swift không phải là chơi xâu láng giềng
Singapore cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia kinh tế ước tính rằng buổi hòa nhạc của siêu sao người Mỹ tại đảo quốc sư tử có thể đóng góp tới 500 triệu đô la Singapore, tương đương 372 triệu USD (gần 9.200 tỉ đồng) vào doanh thu du lịch của đảo quốc sư tử.
Nhà kinh tế học Nomura Si Ying Toh chia sẻ hồi tháng 2 rằng việc Taylor Swift và ban nhạc Coldplay của Anh đến biểu diễn tại Singapore trong đầu năm 2024 có khả năng đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào GDP quý đầu tiên của nước này.
David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard, chia sẻ với BI rằng vì Singapore là một trong những điểm đến đắt đỏ nhất thế giới và có đồng tiền mạnh nên khó thu hút khách du lịch từ những nơi có đồng tiền yếu hơn, khiến họ vung tiền chi tiêu tại nước này.
Việc chi tiêu cho trải nghiệm lại là một câu chuyện khác và nhu cầu này càng tăng cao khi Singapore là điểm dừng chân duy nhất của The Eras Tour ở Đông Nam Á. Vị này nhận định người đã mua vé máy bay, khách sạn, vé xem concert của Taylor Swift tại nước này sẽ có khả năng phát sinh chi tiêu ở các điểm du lịch khác. Vì chính phủ Singapore thu thuế 9% đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ nên chi tiêu của khách du lịch cũng được đưa vào kho bạc quốc gia.
Kevin Cheong, đối tác quản lý của Syntegrate (một công ty tư vấn về phát triển điểm đến và du lịch) nói với BI: "Những buổi hòa nhạc như vậy giúp ghi nhớ trong tâm trí khách du lịch và định vị đây là một điểm đến sang trọng xứng đáng với mức giá cao cấp".
Trong cuộc họp tại Quốc hội hôm 4.3, ông Edwin Tong - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên (Singapore), đề cập đến việc nước này chi tiền tài trợ cho các đêm diễn của Taylor Swift tại đây nhưng không tiết lộ con số và nhấn mạnh những suy đoán được đưa ra trong thời gian qua không chính xác. Tuy nhiên, vị này đảm bảo lợi ích mà họ thu lại cao hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Ông cũng lưu ý rằng lợi ích kinh tế trực tiếp bao gồm lượng khách du lịch tăng thêm, chi tiêu cho vé, chuyến bay, lưu trú tại khách sạn, cũng như giải trí, bán lẻ và ăn uống ở Singapore.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Singapore cũng chia sẻ với truyền thông: "Chúng tôi xem xét vấn đề này từ góc độ xây dựng Singapore thành một trung tâm văn hóa có giá trị chiến lược mạnh mẽ đối với đất nước".
Láng giềng Đông Nam Á 'phật lòng'
Nhiều chuyên gia đánh giá việc Singapore đàm phán với phía Taylor Swift để trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á có The Eras Tour ghé thăm là một bước đi thông minh của chính phủ. Tuy nhiên, hành động này vô tình đã làm mất lòng các nước láng giềng: Thái Lan, Philippines, Indonesia.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cũng từng tiết lộ chính phủ Singapore đề nghị mức tài trợ có thể lên tới khoảng 3 triệu USD (hơn 74 tỉ đồng) cho mỗi đêm nhạc của Taylor Swift, đổi lại giọng ca Karma phải đồng ý nước này sẽ là điểm đến duy nhất của The Eras Tour ở Đông Nam Á. Tờ Bangkok Post dẫn lời ông Srettha Thavisin: "Nếu tôi biết điều này, tôi đã mang buổi biểu diễn đến Thái Lan".
Theo Straits Times, ngày 28.2, nghị sĩ Philippines Joey Salceda chỉ trích phía Singapore và cho rằng: "Đây không phải là điều những người hàng xóm tốt làm". Vị này cũng nói thêm rằng động thái của phía Singapore gây bất lợi cho quan hệ ngoại giao của họ với Manila.
Hội chứng "sợ bỏ lỡ" cũng lan sang đến Indonesia khi Bộ trưởng du lịch Sandiaga Salahuddin Uno nói với Bloomberg TV vào hồi tháng 2 rằng nước này cần Swiftonomics cho du lịch và đang xem xét nhiều ưu đãi hơn cho các sự kiện lớn như buổi hòa nhạc.
Trước những phản ứng không mấy tích cực từ các nước láng giềng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ tại một cuộc họp báo ở Melbourne (Úc) vào ngày 5.3 rằng việc mời Taylor Swift đến Singapore biểu diễn không phải là hành động mang tính cạnh tranh, thù địch đối với các nước trong khu vực. "Các cơ quan của chúng tôi đã đàm phán một thỏa thuận với cô ấy để đến Singapore biểu diễn và biến Singapore thành điểm dừng chân duy nhất của cô ấy ở Đông Nam Á", Reuters dẫn lời ông Lý Hiển Long.
Theo Straits Times, khi trả lời câu hỏi liên quan đến những lời chỉ trích rằng thỏa thuận kể trên đã làm suy yếu tinh thần hợp tác trong ASEAN, Thủ tướng Lý cho biết: "Tôi không thấy việc này có gì là không thân thiện cả. Đôi khi, quốc gia này thực hiện một thỏa thuận. Đôi khi một quốc gia khác cũng làm như vậy". Vị này cũng nói thêm rằng các khoản tài trợ dành cho Taylor Swift đến từ Quỹ Phát triển du lịch của Singapore nhằm vực dậy ngành này sau đại dịch Covid-19. "Nếu như chúng tôi không thực hiện thỏa thuận như vậy, liệu cô ấy sẽ đến một nơi nào khác ở Đông Nam Á, hay nhiều nơi khác ở Đông Nam Á sao? Có lẽ thế, cũng có lẽ không. Đây là những thứ mà cô ấy sẽ quyết định", ông nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia Kevin Cheong chia sẻ trên Business Insider rằng nước đi của Singapore lần này khá khôn ngoan nhưng không phải là giải pháp lâu dài để nước này thúc đẩy du lịch. Vị này cho rằng biện pháp dài hạn, bền vững hơn là làm cho Singapore trở nên hấp dẫn đến mức khách du lịch sẵn sàng chi tiền và các nghệ sĩ quốc tế đình đám chủ động lựa chọn tổ chức các sự kiện có giá vé cao ngay cả khi không có khoản trợ cấp từ chính phủ. "Nơi này phải hấp dẫn như Las Vegas, nơi những ngôi sao chắc chắn phải dừng chân", chuyên gia này nói.
Bình luận (0)