Sinh con được thưởng tiền, dân số có tăng thêm?

29/10/2021 05:06 GMT+7

Dự thảo luật Dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi có đề xuất chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con tại vùng có mức sinh thấp. Nhưng còn nhiều ý kiến băn khoăn chính sách này khó khả thi.

Theo đề xuất Dự thảo luật Dân số, nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; ít nhất tương đương 2 lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ hai (mức lương tối thiểu vùng hiện là 3,07 - 4,42 triệu đồng/tháng).

Đề xuất thưởng tiền khi sinh con thứ hai tại vùng có mức sinh thấp

Mức sinh thấp tác động mạnh đến cơ cấu dân số

Cũng theo dự thảo luật, cặp vợ chồng cam kết sinh đủ 2 con được nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí khi theo học trung học cơ sở công lập. Cặp vợ chồng sinh đủ 2 con có cam kết không sinh thêm con được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở…

Theo các chuyên gia, việc khuyến sinh muốn đạt hiệu quả không chỉ dựa vào biện pháp thưởng tiền mà còn phải đảm bảo cho các cặp vợ chồng yên tâm sinh và nuôi dạy con tốt

Tấn Đạt

Trong khi đó, theo số liệu điều tra của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, 2 vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam bộ và ĐBSCL. Trong đó, TP.HCM là một trong các tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất. Đáng nói, mức sinh thấp tại TP.HCM đã kéo dài khoảng 20 năm qua, dưới mức sinh thay thế (mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ - PV) và hiện ở mức rất đáng lo ngại (1,39 con/phụ nữ, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019).

Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá, mức sinh thấp tác động mạnh đến cơ cấu dân số của địa phương trong tương lai. Khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước.

Việc khuyến khích sinh thông qua hình thức kinh tế cần đi chung với các chế độ hỗ trợ nuôi con và chăm sóc con cái lâu dài

ĐỘC LẬP

Về nguyên nhân mức sinh thấp tại một số vùng, GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đánh giá tại Đông Nam bộ (gồm TP.HCM) có mức sinh thấp do nhiều người nhập cư. Nhiều cặp vợ chồng có thể còn lo công việc, thu nhập trung bình cao nhất nước nhưng chi phí cũng khá đắt đỏ như: thuê nhà, tiền học cho con, đưa đón con... “Các cặp vợ chồng trẻ bây giờ mong muốn con được học tập đầy đủ, chất lượng cuộc sống gia đình tốt hơn, do đó họ có thể không muốn sinh thêm”, GS Cử nhận định.

Còn đối với khu vực ĐBSCL, GS Cử nhận xét, đây là nơi xuất cư cao nhất nước. Khi đi làm xa, họ cũng khó để có các điều kiện lo được đầy đủ nhà cửa, điều kiện sinh hoạt, do đó cũng là yếu tố e ngại sinh thêm con, vì cũng với mong muốn ít con để nuôi dạy, chăm sóc tốt hơn.

Cần đi chung với các chế độ hỗ trợ khác

Nhìn nhận về giải pháp đề xuất trong dự thảo luật, GS Cử cho rằng việc tặng tiền và hỗ trợ nhà ở xã hội có thể khó khả thi vì “ngân sách khó đảm bảo”. GS Cử ước tính, với 21 tỉnh thành có mức sinh thấp nhất có dân số bằng khoảng 39% dân số cả nước, tương đương khoảng 39 triệu dân, mỗi năm có khoảng 600.000 trẻ ra đời. Nếu mỗi bé được hỗ trợ 2 tháng lương cơ bản (khoảng 9 triệu đồng) thì cần đến 5.400 tỉ đồng/năm. Nhưng mỗi gia đình chỉ nhận được 9 triệu đồng để nuôi thêm 1 con đến 18 tuổi thì lại là quá ít.

Với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, GS Cử nhận định: “Cũng khó khả thi vì quỹ nhà ở hiện hầu như đều do các tập đoàn, công ty tư nhân thực hiện. Mà tư nhân họ xây nhà không phải vì công tác dân số”. Theo GS Cử, về lâu dài cần có chiến lược thích nghi xu hướng giảm sinh, thay thế số lượng bằng chất lượng.

Cần có sự tham gia của nam giới chia sẻ với phụ nữ công việc gia đình, chăm sóc con cái. Phụ nữ bây giờ đi làm từ sớm đến tối, về nhà nếu phải làm tất cả các việc của gia đình như: cơm nước, chăm lo con cái... họ sẽ rất vất vả. Như vậy, họ cũng không muốn sinh thêm vì không có thời gian chăm lo cho bản thân, trong khi giới trẻ đang hướng đến chất lượng sống tốt hơn.

GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân

GS Cử cũng cho rằng: “Cần có sự tham gia của nam giới chia sẻ với phụ nữ công việc gia đình, chăm sóc con cái. Phụ nữ bây giờ đi làm từ sớm đến tối, về nhà nếu phải làm tất cả các việc của gia đình như: cơm nước, chăm lo con cái... họ sẽ rất vất vả. Như vậy, họ cũng không muốn sinh thêm vì không có thời gian chăm lo cho bản thân, trong khi giới trẻ đang hướng đến chất lượng sống tốt hơn”.

Trong khi đó, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, cho biết TP đang ở trong nhóm 21 tỉnh thành có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Thống kê cho thấy năm 2020, tổng tỷ suất sinh của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP là 1,53 con, có xu hướng tăng so với năm 2019 (1,39 con) nhưng chưa thoát khỏi báo động về tình trạng mức sinh thấp. Trong điều kiện kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, mức sinh thấp kéo dài sẽ đưa ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển của TP, như: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Về việc sinh con thứ nhất, thứ hai được thưởng tiền 1 lần với khung giá như dự thảo luật Dân số, theo ông Trung, giải pháp kinh tế là một hướng đi mới thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ của xã hội đối với việc sinh con của các cặp vợ chồng. Nhưng để có thể đánh giá được hiệu quả, cần lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia cũng như ý kiến của chính người dân. Với các nước trên thế giới, việc khuyến khích sinh thông qua hình thức thưởng tiền cũng cần phải đi chung với các chế độ hỗ trợ nuôi con và chăm sóc con cái lâu dài thông qua nhiều nhóm giải pháp như: tăng hình thức - thời gian trông trẻ, y tế, dinh dưỡng cho mẹ, trẻ em và đề xuất ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ nhà ở xã hội cũng như nâng cao bình đẳng giới…

Trong các nghiên cứu của các chuyên gia, việc khuyến sinh muốn đạt được hiệu quả không chỉ dựa vào biện pháp thưởng tiền mà còn phải đảm bảo cho các cặp vợ chồng yên tâm sinh con và nuôi dạy con tốt. “Mức sinh thấp là vấn đề đã được TP.HCM quan tâm từ trong thực tiễn công tác quản lý nhà nước về dân số giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2019, nhằm giải quyết thực trạng mức sinh thấp, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”. Thông qua hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như ý kiến của người dân phản hồi qua báo chí cũng được chi cục ghi nhận và có những đề xuất tham mưu trong Dự thảo về chính sách dân số giai đoạn 2021 - 2025 để trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp gần nhất, có thể cuối năm 2021. Cụ thể, các giải pháp đề xuất được tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai.

Theo Bộ Y tế, một trong các mục tiêu về công tác dân số là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên; đến năm 2030 tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.