Theo nghị định 126/2020, bắt đầu từ ngày 5.12, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ. Hành khách đi xe phải chi thêm tiền theo từng km, còn tài xế lo ngại vì cước phí tăng dẫn đến tình trạng ế ẩm.
“Đi xe công nghệ cũng có VAT?”
Đây là câu hỏi của một sinh viên hỏi ngược lại chúng tôi khi được đề cập về vấn đề thuế giá trị gia tăng khi đi xe công nghệ. Cụ thể, với GrabBike, sau 2 km đầu tiên thì giá cước sẽ tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng, còn tính theo thời gian di chuyển sẽ tăng từ 300 đồng lên 350 đồng mỗi phút.
|
Tuy nhiên, điều mà sinh viên quan tâm là 10% VAT do sinh viên chi trả trong mỗi cước xe hay do tài xế chịu với doanh nghiệp Grab. Vì theo Nguyễn Thị Tú Trinh (sinh viên năm 4, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) thì thuế VAT đa phần đánh vào người tiêu dùng, cụ thể là khách hàng.
“Vậy nếu mình là khách hàng của Grab, mình có quyền yêu cầu xuất hóa đơn VAT hay không? Mình nộp thuế thì đương nhiên phải có hóa đơn như ở siêu thị, trung tâm mua sắm…”, Tú Trinh nói.
Dù không thường sử dụng xe công nghệ nhưng Tú Trinh vẫn quan tâm khá nhiều về vấn đề này. “Thuế VAT không chỉ làm tài xế điêu đứng mà sinh viên tụi mình chịu ảnh hưởng không ít. Nếu như trước kia từ trường về KTX khu B chỉ tầm 30.000 đồng thì bây giờ lên gần 40.000 đồng”, Trinh cho hay.
|
Đa phần sinh viên năm nhất chọn sử dụng xe công nghệ khi di chuyển ở những đoạn đường xa vì mật độ xe cộ đông đúc khiến các bạn lo lắng khi di chuyển trên đường, một phần do các bạn không có xe. Việc tăng tiền cước dẫn đến nhiều sinh viên từ chối sử dụng dịch vụ xe công nghệ.
Nguyễn Ngọc Thảo (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nói: “Mình chọn Grab vì nó an toàn và có nhiều chính sách giảm giá. Tuy nhiên, nếu trước kia mình chỉ cần trả khoảng 60.000 - 70.000 đồng cho đoạn đường 16 km thì bây giờ tăng lên 80.000 đồng”. Vì vậy, Ngọc Thảo cho rằng bản thân sẽ hạn chế sử dụng Grab.
“Tăng bất ngờ làm sinh viên tụi mình không biết xoay sở thế nào. Tiền học, tiền ăn, tiền phòng… giờ thêm tiền xe tăng cao, chắc mình đi bộ đến trường cho tiết kiệm”, là tâm sự của Trần Đông An (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
|
Vừa đặt xe vào ngày 5.12 với đoạn đường gần 10 km nhưng phải trả đến 70.000 đồng. Nguyễn Ý Nhi (sinh viên năm hai, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho rằng: “Tính theo km thì là con số cố định, còn mình tính bằng thời gian di chuyển mà đường vừa đông, vừa kẹt nên số tiền cứ tăng ngất ngưởng”.
Ý Nhi cho hay bản thân sẽ cân nhắc để tìm phương tiện di chuyển phù hợp với túi tiền hơn.
“Động lực chạy tiếp ở đâu?”
Một số sinh viên chạy Grab cũng gặp không ít khó khăn vì tình trạng ế ẩm do không có khách hàng. 27,273% là tỷ lệ khấu trừ mỗi cuốc xe mà tài xế phải chịu (trước kia là 20%).
“Mình chạy để kiếm thêm tiền chứ không xem là công việc chính nên không quá đặt nặng vấn đề thu nhập. Tuy nhiên, có những người xem Grab là nghề chính thì chịu ảnh hưởng rất nhiều”, Viên Đình Mạnh (sinh viên năm 3, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Nếu không vướng lịch học, một ngày Mạnh chạy được khoảng 13 cuốc xe nhưng từ khi tăng VAT, số lượng đặt xe giảm hẳn. 30.000 đồng là con số mà Mạnh cho chúng tôi xem về thu nhập mình nhận được hôm qua.
“Mình chọn Grab vì nó thoải mái thời gian, thu nhập do mình chủ động hoàn toàn. Tuy nhiên, mức thuế hiện tại là cao, nếu chạy được 100.000 đồng thì bị trừ gần 30.000 đồng, cộng thêm tiền xăng, tiền mạng… tính ra không thu được bao nhiêu”, Đình Mạnh cho biết.
“Bảo trì xe, chi phí sửa chữa, đầu tư điện thoại… nhưng thu lại không được bao nhiêu nên mình đang phân vân có nên từ bỏ công việc làm thêm này không, vì 10% VAT khiến mình cảm thấy bản thân đang bị bóc lột nhiều”, Trần Đình Yên (sinh viên năm 4, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM).
Yên hiện là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, những lúc rảnh rỗi Yên chọn chạy xe công nghệ để làm chủ thời gian và không ảnh hưởng nhiều đến việc học. Không đặt nặng thu nhập nhưng Yên cảm thấy công sức bỏ ra không xứng đáng với những gì nhận được.
Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên năm 4, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng không xem Grab là công việc chính nên từ khi biết Grab tăng thuế đã chủ động khóa app từ ngày 6.12. Hiện tại, Anh Tuấn không nhận cuốc xe qua ứng dụng mà chọn điểm cố định ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận khách trực tiếp.
“Hôm qua mình chỉ nhận được 2 cuốc xe, vừa lên khách đã than vì cước phí cao. Nếu không ổn thì mình chỉ chạy thêm vài ngày nữa rồi tập trung học tập, tìm việc khác để làm. Một tháng kiếm được 3 triệu đồng thì trừ hơn 800.000 đồng, động lực chạy tiếp ở đâu?”, Anh Tuấn nói.
“Đi xe buýt cho tiết kiệm”
Trước tình trạng tăng giá dịch vụ xe công nghệ, nhiều sinh viên bắt đầu tìm biện pháp thay thế. Xe buýt trở thành giải pháp hữu hiệu nhất đối với sinh viên lúc này.
“Rẻ, an toàn là lựa chọn hàng đầu của tụi mình. Mặc dù di chuyển bằng xe buýt tốn nhiều thời gian hơn bình thường nhưng chi phí thấp là được”, Đông An nói.
Ngoài xe buýt, sinh viên còn quyết định mang xe máy từ quê lên để tiện đi lại. Nguyễn Ngọc Thảo chia sẻ: “Mình sẽ bắt đầu thi bằng lái, cuối tháng nhờ bố mẹ mang xe lên chứ chọn Grab thì hơi đắt, còn đi xe buýt thì tốn nhiều thời gian”, Thảo nói.
Lý giải việc điều chỉnh giá lần này, Grab cho biết theo quy định mới của Nghị định 126/2020, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ được áp dụng từ ngày 5.12. Do đó, để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ, áp dụng từ 11 giờ cùng ngày.
Cùng với quyết định tăng giá cước, hãng xe này cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike. Theo đó, mức khấu trừ của Grab đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân). Tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.
Hà Mai
|
Bình luận (0)