Chuỗi ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe" do Báo Thanh Niên tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Acecook Việt Nam đã chính thức khai mạc vào sáng 23.11 tại Trường ĐH Đồng Nai, thu hút hàng ngàn sinh viên đến dự. Trong đó, talkshow "Thay đổi thói quen, thay đổi cuộc sống" có sự góp mặt của ThS-BS Trương Nhật Khuê Tường và doanh nhân, người mẫu Helly Tống đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho lối sống, bữa ăn thời sinh viên.
Cách có bữa ăn sinh viên đủ dinh dưỡng
ThS-BS Trương Nhật Khuê Tường, giảng viên bộ môn dinh dưỡng, Trường ĐH Y dược TP.HCM, là gương mặt quen thuộc với giới trẻ qua các bài chia sẻ dí dỏm, thiết thực về câu chuyện dinh dưỡng. Thấu hiểu thói quen sinh hoạt của sinh viên, bác sĩ Tường dành gần một giờ chia sẻ về chủ đề "Chúng ta ăn gì để khỏe và đẹp", hướng dẫn cách các bạn chuẩn bị một bữa ăn đủ cả năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Sôi động ngày hội ‘sống xanh sống khỏe’: sinh viên vui chơi thả ga, nhận quà hấp dẫn
Trong bài chia sẻ, bác sĩ Tường nhấn mạnh đến 4 nhóm dinh dưỡng (đạm; tinh bột; chất béo; vitamin, khoáng chất) và cần ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm. "Để chế biến bữa ăn sinh viên cân đối dinh dưỡng và an toàn, các bạn phải cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng phối hợp với 5 nhóm thực phẩm. Đây là điều các bạn đừng nên nhầm lẫn", ThS-BS Tường thông tin.
Ngoài ra, nữ bác sĩ cũng lưu ý có nhiều thực phẩm bổ não giúp tăng cường trí nhớ như chất béo tốt có trong cá (nhất là loại cá có mỡ như cá hồi, cá hú), hạt (hướng dương, hạt dẻ) và đậu (đậu phộng, hạnh nhân, óc chó...); trà hoa cúc; sô cô la đen (loại chứa 85% ca cao). "Và trong những bữa ăn phụ, thay vì ăn snack và kẹo thì sinh viên có thể đổi thành trái cây ngọt nhẹ, ít chua hay món ăn vặt giàu đạm như trứng luộc", bác sĩ Tường nói.
Bên cạnh đó, ThS-BS Tường còn chia sẻ về những hiểu lầm cũng như mặt tích cực, tiêu cực liên quan đến dùng đường trong bữa ăn. Nữ bác sĩ lưu ý, sinh viên cần hạn chế dùng nhiều đường trắng, đường nâu và siro ngô có hàm lượng đường cao (như nước ngọt hay trà sữa cho thêm chất béo và đường), bởi nó không cung cấp giá trị dinh dưỡng và thậm chí còn khiến chúng ta mắc bệnh nếu thường xuyên dùng quá nhiều.
Ngoài ra, với trái cây, sinh viên cũng nên ăn nguyên trái thay vì uống nước ép, "do nước ép dù có vitamin và khoáng chất nhưng chủ yếu chỉ là nước đường, bởi nơi nhiều dưỡng chất nhất là những múi xơ của trái cây, thậm chí là vỏ của nó", nữ giảng viên thông tin.
Cũng theo bác sĩ Tường, có quan niệm cho rằng sữa chỉ dành cho trẻ nhỏ hay thiếu niên trong tuổi dậy thì chứ không dành cho người trưởng thành. Song, điều này là rất sai lầm. Sữa và chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, bơ... cung cấp nguồn canxi và vitamin D dồi dào, giúp duy trì mật độ xương và đảm bảo xương chắc khỏe. Đây là những dưỡng chất thiết yếu nên sữa là sản phẩm cần đi theo mọi người xuyên suốt cuộc đời.
Để có một cuộc sống khỏe, bác sĩ Tường đã tóm gọn lại trong thông điệp có tên "EASZ", viết tắt cho các chữ tiếng anh gồm Eat (ăn cân bằng các nhóm thực phẩm); Activate (kích hoạt cơ thể và não bộ thông qua tập thể dục, đọc sách, giao tiếp xã hội và tiếp cận nguồn không khí trong lành); Stress (quản lý stress qua chánh niệm, vòng yêu thương gia đình, bạn bè); và cuối cùng là Zzz (ngủ thật ngon giấc).
Không có "công thức" để sống xanh
Còn doanh nhân, người mẫu Helly Tống, cái tên không mấy xa lạ trong cộng đồng theo đuổi phong cách sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, cũng dành thời lượng tương tự chia sẻ về chủ đề "Tôi được gì khi sống xanh", qua đó khích lệ bạn trẻ cùng lan tỏa tinh thần sống tích cực này.
Chị Helly kể, khái niệm sống xanh được thảo luận từ 8-10 năm gần đây. Trước đó, người ta thường nói về câu chuyện phát triển bền vững. Như vậy, đây là hành trình đã kéo dài khoảng 30 năm và luôn cần sự chung tay nghiên cứu khoa học liên ngành cũng như chủ trương, chính sách hợp lý. Nhìn chung, sống xanh có thể hiểu đơn giản là việc chúng ta không dùng quá nhiều dạng năng lượng khác nhau và bảo vệ môi trường sống hiện nay.
Ở cấp độ vĩ mô, chị Helly lưu ý cần có hiểu biết khoa học để việc sống xanh đi vào thực chất. Chẳng hạn ở câu chuyện trồng cây gây rừng, mỗi địa phương sẽ cần phải cân nhắc những loại cây khác nhau chứ không áp dụng một loại cho tất cả, nhưng trồng ở nơi núi đá Ninh Thuận nên dùng cây neem (còn gọi là xoan chịu hạn), hay ở Sóc Trăng thì phải trồng rừng ngập mặn, qua đó có thể giúp người dân làm sinh kế bền vững.
Trong khi đó, với mỗi cá nhân, nữ chuyên gia nhấn mạnh không có công thức chung về việc thực hành sống xanh sống khỏe, mà quan trọng nhất mỗi người chúng ta có thể làm gì. Một lời khuyên từ chị Helly Tống là hãy luôn nghĩ về điều mình muốn làm, như với câu chuyện sống xanh, vì những gì chúng ta tạo ra đến từ chính những điều chúng ta tin tưởng. "Và những gì chúng ta tin tưởng chính là điều chúng ta luôn nghĩ đến", chị Helly Tống nói.
Cuối bài nói, chị Helly Tống đã chia sẻ với sinh viên một số mẹo để sống xanh như ủng hộ các nhà vườn lân cận; mua các món ăn theo mùa; giảm thiểu lượng tiêu thụ thịt; giảm chất thải, bao bì nhựa; mang theo bình nước, túi eco khi ra ngoài; dùng các chai lọ chiết thủy tinh... Ngoài ra, sinh viên còn nên dùng các phương tiện di chuyển công cộng; thu gom rác thải điện tử, quần áo cũ; mang hộp đồ ăn trưa... trong cuộc sống hằng ngày.
Chị Helly cũng giới thiệu một số quyển sách, tài liệu tham khảo giúp các bạn có thể tìm hiểu thêm chủ đề này như Nhân tố enzyme của bác sĩ Hiromi Shinya; Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim của nhà sư Shoukei Matsumoto, Sống vốn đơn thuần của nhà văn Phong Tử Khải hay 99 giải pháp ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu được viết bởi tập thể nghiên cứu viên tham gia dự án khoa học Drawdown (thoái trào).
Thói quen sống xanh sống khỏe "3S"
Phát biểu khai mạc chuỗi ngày hội "Cùng sinh viên sống xanh sống khỏe", nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định việc nâng cao nhận thức sống xanh, sống khỏe là cách tạo ra giá trị tích cực cho sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung. Đây cũng là "nhiệm vụ cấp thiết" trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và cần sự chung tay từ các bên, theo anh Dũng.
"Sinh viên với vai trò chủ nhân tương lai của đất nước cần được trang bị kiến thức, dinh dưỡng hợp lý cũng như tạo thói quen vận động thường xuyên và thực hành lối sống lành mạnh. Mỗi cá nhân có năng lực tích cực và chia sẻ cùng nhau sẽ tạo nên một cộng đồng văn minh, từ đó tiến tới mục tiêu xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển bền vững", anh Dũng chia sẻ, kêu gọi sinh viên hãy trở thành những "đại sứ" sống xanh, sống khỏe.
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, thì kêu gọi sinh viên thực hành "3S", tức sạch sẽ, sắp xếp và sàng lọc. Đây là lối sống đã được nhà trường phát động từ một số năm trước và được hưởng ứng nồng nhiệt. Trong đó, "sạch sẽ" yêu cầu sinh viên phải luôn giữ vệ sinh chung; "sắp xếp" nơi sinh hoạt ngăn nắp, gọn gàng; và "sàng lọc" rác thải ngay tại nguồn.
Một thông điệp khác thầy Đức muốn nhắn gửi bạn trẻ là tinh thần chung tay bảo vệ môi trường, không chỉ bản thân mình sống xanh mà phải lan tỏa ý thức này đến những người xung quanh. "Các bạn thậm chí có thể trồng cây cho hàng xóm cạnh bên, hay nếu không kịp trồng thì có thể mua cây cho họ", tiến sĩ Đức ví von, đồng thời khuyên sinh viên rèn thói quen không xả rác bừa bãi, học cách sống xanh, ăn sạch...
Bình luận (0)