Sinh viên học trực tiếp thế nào ?

Hà Ánh
Hà Ánh
08/02/2022 08:34 GMT+7

Ngay sau kỳ nghỉ tết, các trường ĐH ở TP.HCM bắt đầu đón sinh viên trở lại trường học trực tiếp sau nhiều tháng học trực tuyến do dịch Covid-19.

Dù phần lớn người học đã được tiêm vắc xin phòng dịch nhưng các trường vẫn chủ động bố trí lịch học trực tiếp theo nhiều cách khác nhau để đảm bảo an toàn. Theo lịch đã công bố, sinh viên một số trường ĐH sẽ đến trường học trực tiếp sớm nhất từ hôm qua (7.2) như: Kinh tế, Khoa học xã hội và nhân văn, Tài chính - Marketing, Khoa học tự nhiên… Nhiều trường lại quyết định dạy học trực tiếp từ ngày 14.2 như: Giao thông vận tải, Sư phạm kỹ thuật, Công nghiệp thực phẩm… Trong khi đó, lịch học trực tiếp của một số trường có nhiều mốc thời gian khác nhau kéo dài từ tháng 2 đến tháng 3.

Sinh viên Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật trở lại trường thực tập

ĐÀO NGỌC THẠCH

Khi nào sinh viên cần có mặt tại trường ?

Đón sinh viên trở lại trường học trực tiếp là phương án của tất cả các trường ĐH ngay sau kỳ nghỉ tết. Tuy nhiên, mỗi trường yêu cầu người học đến trường theo những khoảng thời gian khác nhau để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 trong bối cảnh mới.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, trường này sẽ bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021 - 2022 từ ngày 21.2. Nhưng khoảng thời gian đầu từ 21.2 - 12.3, việc dạy học vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến. Từ ngày 15.2, sinh viên nội trú có thể bắt đầu liên hệ để nhận chỗ ở với Ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM.

Cũng theo ông Khang, việc dạy học trực tiếp của trường sẽ bắt đầu từ ngày 14.3 nhưng chỉ với sinh viên năm thứ nhất, các khóa còn lại vẫn tiếp tục học trực tuyến cho đến ngày 28.3.

“Trường khuyến khích sinh viên năm nhất đến trường sớm hơn để làm quen với giảng đường, bạn bè và thầy cô. Bởi đây là lứa sinh viên khá đặc biệt, dù đỗ ĐH và trải qua một học kỳ nhưng nhiều em vẫn chưa được đến trường”, ông Khang chia sẻ thêm.

Trường ĐH Bách khoa cũng dành một khoảng thời gian sau tết để người học di chuyển vào TP.HCM. Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết trường đã làm việc với các KTX về việc tiếp nhận sinh viên vào ở. Trong đó, KTX Bách khoa đã tiếp nhận người ở ngay từ trước tết.

Ông Phúc cho biết: “Người học các địa phương khác có thể di chuyển vào TP.HCM ngay từ tuần thứ 2 của tháng 2. Trong 2 tuần tiếp theo sau đó, sinh viên có thể ổn định nơi ở và hoàn chỉnh mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 nếu cần thiết. Sau những tuần chuẩn bị này, trường sẽ tổ chức dạy học trực tiếp toàn bộ từ ngày 6.3”.

Trường ĐH Công nghiệp cũng có lộ trình đón sinh viên tới trường theo các mốc thời gian khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết sinh viên các lớp thực hành và thí nghiệm cần có mặt tại trường từ ngày 14.2. Các học phần lý thuyết tùy vào đặc thù môn học có thể dạy trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Trong đó, sinh viên năm nhất và năm thứ 2 hầu hết các học phần theo hình thức trực tuyến nên chưa cần đến TP.HCM ngay. Ngược lại, sinh viên năm 3 và 4 chủ yếu học trực tiếp.

“Hiện nhà trường đã công bố trên hệ thống toàn bộ thời khóa biểu các môn học để người học ở xa sẽ chủ động sắp xếp thời gian di chuyển vào trường một cách thuận tiện nhất”, tiến sĩ Nhân nói thêm.

Học trực tiếp phối hợp trực tuyến

Bên cạnh việc bố trí thời gian cho sinh viên trở lại trường xa nhau, một số trường vẫn duy trì hình thức dạy học trực tuyến trong thời gian đầu sau tết.

Theo thời khóa biểu đã công bố, Trường ĐH Công nghiệp sẽ có khoảng 2 tuần đầu triển khai dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Một khảo sát được thực hiện từ các khoa chuyên môn của trường này cho thấy trung bình có khoảng 20 - 30% sinh viên của trường học tập trung trong cùng một thời điểm.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết: “Mục đích của việc kết hợp 2 hình thức học giai đoạn đầu nhằm giảm mật độ tập trung tại trường trong một thời điểm. Nếu sau 2 tuần đầu triển khai ổn định, trường có thể tăng cường hình thức dạy trực tiếp tại trường”.

Dù bắt đầu dạy học trực tiếp đồng loạt từ ngày 6.3 nhưng Trường ĐH Bách khoa vẫn duy trì hình thức trực tuyến trong một số trường hợp. Tiến sĩ Trần Thiên Phúc cho hay theo quy chế của Bộ GD-ĐT các trường ĐH được giảng dạy trực tuyến tối đa 30% chương trình đào tạo. Trường sẽ khai thác hình thức trực tuyến với tỷ lệ 20 - 30% ở các học phần lý thuyết ngay trong điều kiện dạy học bình thường.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế cũng tiếp tục dạy học kết hợp từ ngày 8 - 14.2. Giảng viên đến trường, sinh viên lựa chọn hình thức học trực tiếp hoặc trực tuyến. Nhưng từ ngày 15.2, trường chuyển toàn bộ sang hình thức học tập trung, tất cả người học đủ điều kiện y tế phải đến trường để học (chỉ trừ trường hợp vắng hợp lệ theo quy chế đào tạo).

Theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng trường này, phương án tổ chức dạy học này nhằm đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Trong quá trình dạy học tập trung, nếu giảng viên bị F0 hoặc phải cách ly theo quy định thì tùy điều kiện sức khỏe có thể chọn dạy trực tuyến, nghỉ giảng hoặc giảng viên khác giảng thay. Còn với người học khi rơi vào tình huống trên, tùy điều kiện sức khỏe có thể chọn học trực tuyến hay kết hợp hoặc xin nghỉ học có phép theo quy chế đào tạo.

Còn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cũng có lộ trình tương tự. Từ ngày 14.2, sinh viên bắt đầu đến trường học. Các học phần thực hành và thí nghiệm giảng dạy 100% trực tiếp, còn học phần lý thuyết có thể diễn ra theo hình thức trực tuyến từ 20 - 30% thời lượng.

Các trường đều có những phương án cụ thể để ứng phó với dịch khi sinh viên đến trường. Trường ĐH Bách khoa đã chuẩn bị sẵn sàng 19 trạm kiểm tra sinh viên vào trường tại 2 cơ sở. Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, các trường và KTX thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức họp để có các phương án ứng phó dịch. Đặc biệt là sự phối hợp giữa trường, KTX và người học trong phòng bệnh và xử lý tình huống xuất hiện F0.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.