Sinh viên làm ra sản phẩm muối ớt và bánh phồng từ cá cơm xanh

17/11/2022 08:30 GMT+7

Tận dụng nguồn nguyên liệu cá cơm xanh dồi dào ở địa phương, nhóm sinh viên Trường ĐH Kiên Giang làm sản phẩm muối ớt và bánh phồng đầy mới lạ.

Dự án “Cá cơm xanh” với 2 sản phẩm muối ớt và bánh phồng do 3 sinh viên Nguyễn Thị Thúy Liên, Trần Đức Thắng và Nguyễn Ngọc Đoan Phương, cùng học Trường ĐH Kiên Giang thực hiện.

Thúy Liên cho biết với mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Kiên Giang đến du khách thông qua tiêu dùng thực phẩm, nhóm đã chọn cá cơm xanh tạo ra các sản phẩm thực phẩm mới mang tính đặc trưng của địa phương.

Nhóm sinh viên đưa sản phẩm muối và bánh phồng làm từ cá cơm xanh đi giới thiệu

DUY TÂN

Theo Liên, lâu nay nguồn nguyên liệu cá cơm tại Kiên Giang được sử dụng trong sản xuất nước mắm, chế biến các sản phẩm cá cơm khô, khô tẩm gia vị, làm mắm hoặc bày bán dạng tươi sống ở các chợ. Riêng việc dùng cá cơm để làm ra muối ớt và bánh phồng là sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường.

“Cá cơm có giá trị dinh dưỡng cao, góp phần tác động tích cực đến cơ thể con người. Ưu điểm vượt trội của loài cá này là sản lượng dồi dào, giá thành nguyên liệu rẻ”, Thúy Liên cho biết.

Để làm bánh phồng cá cơm xanh, nhóm sử dụng bột năng phối với thịt cá cơm xay nhuyễn, sữa tươi, ớt, tiêu, tỏi và bổ sung gia vị, phụ gia… với tỷ lệ xác định. Hỗn hợp được trộn đều bằng thiết bị khuấy trộn và được tráng, hấp chín. Sau khi làm khô sơ bộ, cắt nhỏ thì tiếp tục làm khô đến độ ẩm còn dưới 9%. Công đoạn cuối cùng là đóng gói trong hộp nhựa, khối lượng tịnh 150 gram và bảo quản ở nhiệt độ thường. Sản phẩm hoàn toàn không sử dụng chất phụ gia bảo quản, có 2 màu đỏ cam và xanh nhạt.

Đối với muối ớt làm từ cá cơm xanh cũng lắm công phu. Muối ăn được phối trộn cùng thịt cá cơm xay nhuyễn, ớt, tiêu, tỏi và một số gia vị; hỗn hợp trộn đều, làm khô, làm tơi, rang ở nhiệt độ cao để làm chín sản phẩm.

Mỗi sản phẩm chỉ có giá 20.000 - 30.000 đồng, vừa rẻ, vừa tiện lợi cho khách hàng khi sử dụng hoặc mang đi xa, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm mới từ nguyên liệu cá cơm để đa dạng sản phẩm và bán ra thị trường.

Nhờ sản phẩm mới mẻ, sáng tạo, đáp ứng đa dạng phân khúc về thực phẩm mang thương hiệu địa phương, dự án “Cá cơm xanh” đã đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần 2 năm 2022.

Mới đây, ngày 12.11, vượt qua 17 ý tưởng vào vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL” lần thứ 1 năm 2022 do Mạng lưới hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL tổ chức, dự án này tiếp tục xuất sắc mang về giải nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang, đánh giá dự án “Cá cơm xanh” giúp đa dạng thêm sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương. Đồng thời, ông hy vọng những dự án như vậy sẽ là bước đệm cho nhiều sinh viên của trường tiếp tục phát huy ý tưởng sáng tạo hơn nữa trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.