Sinh viên lần đầu xa nhà: 'Ăn mì gói thay cơm, khóc hết nước mắt vì nhớ'

10/09/2019 19:08 GMT+7

Nhiều sinh viên đã kể lại như vậy và chắc hẳn ai cũng đã từng có một thời sinh viên với vô vàn khó khăn ban đầu phải vượt qua khi lần đầu tiên xa nhà, chân ướt chân ráo bước vào cuộc sống mới.

Nói với mẹ ăn cơm nhưng thực ra là ăn mì gói

Nếu ai đã từng đi qua thời sinh viên, chắc mì gói là món ăn muôn thuở và có nhiều bạn vì ăn mì gói nhiều quá nên lúc ra trường đi làm, nhìn thấy mì gói lại sợ đến xanh mặt.

Và câu chuyện của chàng sinh viên Phạm Mạnh Đình (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) khiến người viết rưng rức nước mắt. Đình đã từng có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc khi dùng túi ni lông làm gạch lát nền, thế nhưng, ít ai biết được là dù tiền ăn hằng ngày thiếu trước hụt sau, nhưng Đình vẫn dành dụm được tiền để thực hiện đề tài nghiên cứu.

Đình (bên phải) dù thiếu trước hụt sau nhưng vẫn dành tiền để nghiên cứu thành công sản phẩm gạch lát nền bằng túi ni lông

HOA NỮ

Sinh ra ở vùng miền núi cao nhiều thiếu thốn, niềm vui đậu đại học chưa kịp thỏa thì nỗi lo đã ngập tràn, chàng sinh viên người Krông Bông (Đắk Lắk) phải chật vật để vượt qua khoảng thời gian đầu vào đại học nhiều thử thách.

“Ngày mình bước lên xe khách vào TP.HCM, điều làm mình nhớ nhất là chú hàng xóm nói: “Lên đại học vài tháng, rồi gọi ba mẹ ơi con bị nghiện”. Vì sao họ lại nói vậy? Vì mình là đứa học lực không giỏi, cộng thêm nhà nghèo lấy tiền đâu mà học, nhưng họ không phải là mình nên họ không biết. Vì ước mơ được tiếp tục nghiên cứu, vì ước mơ thay đổi sự nghèo khó của gia đình, nên mình đã cố gắng cày ngày cày đêm để thực hiện ước mơ, và mình đã làm được”, Đình kể.

Năm nay bước sang năm 3 đại học, nhưng Đình vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố nhộn nhịp này: “19.8.2017, ngày mình đặt chân lên trường nộp hồ sơ với mẹ, hành trang của 2 mẹ con chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng đóng tiền học, nhưng không đủ tiền phải ngồi ở sân bóng trường, rồi mẹ gọi để vay thêm tiền khắp nơi, lúc đó mình thật sự rất nản. Thấy nhà nghèo thế này, làm sao để tiếp tục đi học được? Nhưng lúc đó mẹ nói: 'Không sao đâu con, dù có nghèo và có bán đất hay ra đường ở đi nữa ba mẹ cũng sẽ cố gắng cho con đi học, vì con là tương lai của cả gia đình mình'”.

Nhiều sinh viên chọn cách đi tình nguyện để vơi đi nỗi nhớ nhà

HOA NỮ

Rồi Đình kể tiếp: “Làm sao mọi người tin được khi ở thành phố đắt đỏ này mà một tháng cả tiền ở lẫn tiền ăn và sinh hoạt của mình chỉ có vài trăm ngàn đồng mà mình có thể làm nghiên cứu được. Thực ra là bạn ăn một bữa ăn 20 - 30 ngàn đồng, thì mình chỉ 3 ngàn đồng một gói mì tôm. Nhưng đánh đổi lại là càng ngày càng ốm teo xương (cười). Nhưng mỗi lần mẹ gọi điện vào hỏi, mình đều nói 'con ăn cơm' nhưng thật ra là ăn mì gói…”.

Thế là vừa đi học, vừa đi làm thêm, Đình làm rất nhiều việc đến nỗi giờ chàng sinh viên này không nhớ đã làm qua bao nhiêu việc. Những ngày nào không phải đi học, 5 giờ sáng, Đình bắt xe buýt từ ký tức xá Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ra đến chỗ làm gần sân bay để rửa chén, dọn vệ sinh thuê đến 20 giờ tối mới về.

“Ngày đó làm nhiều đến nỗi mà về là bệnh luôn, mà một thằng dân quê mới lên thành phố như mình đâu biết làm thêm việc gì ngoài những việc lao động chân tay nặng nhọc. Mình ám ảnh đến nỗi mà giờ mỗi lần nhìn thấy máy bay, mình đều nhớ lại những ngày đó, do lúc đó làm gần sân bay, ngày nào cũng nhìn máy bay cất cánh”, Đình nhớ lại.

Vất vả là thế nhưng nghĩ về ba mẹ nơi miền núi nghèo khó, nhiều thiếu thốn Đình lại thêm nhiều quyết tâm hơn.

“Khóc muốn ngập thành phố”

Nhắc về ký ức những ngày đầu xa gia đình vào thành phố nhập học, Trần Thị Vân Huyền (cựu sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) chỉ vỏn vẹn: “Ngày đó với mình chỉ có nước mắt”.

Rồi cô nàng hài hước: “Ngày đó lần đầu xa nhà rồi cuộc sống sinh viên thiếu thốn nhiều quá khiến mình càng nhớ nhà nhiều hơn, đi làm thêm thì bị chủ nói những câu rất nặng kiểu như 'mấy đứa nhìn quê mùa thế này lần sau đừng tuyển nữa, vào quán mà nhìn thấy tụi nó ăn mặc là khách muốn bỏ về rồi, ai còn muốn mua đồ nữa'. Thế là bao nhiêu nỗi buồn vì nhớ nhà, vì tủi thân và khóc như chưa từng được khóc. Mà nhiều khi TP.HCM ngập mình nghĩ là một phần do mình vì khóc nhiều quá (cười)”.

Cũng là ký ức về những giọt nước mắt nhớ nhà, Lê Thị Hoài Nhi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Thời còn là sinh viên năm nhất, mọi thứ đều rất mới mẻ và xa lạ đối với mình. Phải mất một khoảng thời gian dài sau đó, mình mới có thể thích ứng với cuộc sống nhộn nhịp, tấp nập của Sài Gòn. Ở quê, mọi thứ vốn rất nhẹ nhàng, bình yên và bản thân cũng không phải lo nghĩ nhiều như khi phải vào thành phố để đi học. Chính vì thế, số lần phải khóc vì nhớ nhà là không đếm hết được”.

Quê ở tận Quảng Ngãi nên không phải lúc nào muốn thì Nhi cũng đều được về thăm nhà. Chi phí đi lại rất tốn kém nên một năm chỉ được về quê 1 lần vào dịp tết.

Sinh viên hỗ trợ nhau để hòa nhập cuộc sống mới

HOA NỮ

“Hồi đó chưa quen, có những hôm, dù đã rất khuya nhưng mình vẫn không thể ngủ được, cứ trằn trọc suy nghĩ rồi tự dưng bật khóc oà lên. Mình không chịu nổi cảm giác nhớ nhà. Rồi lên đại học, cũng lớn rồi nên không muốn bố mẹ phải vất vả nhiều. Vì vậy, ngay từ năm nhất, dù gặp nhiều khó khăn nhưng mình vẫn cố gắng tìm việc làm thêm để tự lo sinh hoạt hằng ngày. Sinh viên mà, phải khổ mới có kỷ niệm để nhớ”, Nhi chia sẻ.

Còn ký ức với Lê Ngọc Thảo, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, là những lần bị lạc vì không biết đường: “Ở quê, mình chỉ việc đi học và về nhà, không hay đi đó đây nên mình khá mù đường. Lên thành phố mới bắt đầu học cách đi bằng google map và hỏi thăm những người đi đường. Mình nhớ có lần mình bị lạc vào hệ thống hẻm chằng chịt và không biết đường ra, phải nhờ chú xe ôm ở gần đó chạy trước dẫn đường cho mình. Sau này thì mình đi đường ổn hơn, chứ cứ như thế mãi thì chắc sợ thành phố luôn”.

Thảo cũng nhớ lại: “Ở nhà thì mình khỏe lắm mà không hiểu sao vừa lên thành phố, xa bố mẹ là mình lăn ra bệnh mấy ngày liền. Khi ấy chưa quen nhiều bạn mới, bạn trong ký túc xá cũng đi học miết nên chỉ có một mình ở phòng. Vừa mệt, vừa nhớ nhà nên tủi thân và khóc rất nhiều. Tuy nhiên, sau đó từ một đứa sinh viên năm nhất chưa biết gì, giờ đây mình đã biết cách tự chăm sóc hơn để có thể học tập, hoạt động tốt và để ba mẹ an tâm về mình hơn”.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có lần đầu xa nhà, nhất là các bạn tân sinh viên khi năm đầu tiên lên thành phố nhập học. Và khi đối diện với môi trường sống mới, với bao điều mới mẻ sẽ khiến các bạn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn...
Rồi những đêm thức trắng vì nhớ nhà, những lần lạc đường vì chưa phải là "thổ địa", những gói mì tôm nấu vội thay cơm để kịp giờ làm thêm... tất cả trở thành kỷ niệm một thời sinh viên không thể nào quên phải không các bạn?
Những trải nghiệm lần đầu xa nhà của một thời sinh viên đáng nhớ đó, các bạn có thể chia sẻ và gửi về chuyên mục Sinh viên lần đầu xa nhà theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên chuyên mục Sinh viên lần đầu xa nhà của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.